Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

TỔNG BIÊN TẬP THE VERGE CHIA SẺ TRẢI NGHIỆM GOOGLE GLASS

Thiết bị "thực tại ảo" của Google đã bắt đầu được bán ra cho người thử nghiệm từ tuần này, với giá là 1500 USD. Tuy đã được xem những đoạn phim giới thiệu rất thú vị của Google, không mấy người được may mắn trực tiếp sử dụng Google Glass.
Tổng biên tập trang tin The Verge, Joshua Topolsky là một trong số những người có cơ hội dùng thử sản phẩm này. Bài viết dưới đây là những trải nghiệm của anh, VNReview dịch lại và gửi tới bạn đọc.
Trải nghiệm Google Glass
Đằng sau cánh cửa kính trên tầng thứ 11 của văn phòng Google tại New York, một người phụ nữ bước ra và chào đón tôi. Cô bắt tay tôi và ngay lúc đó tôi đã nhận ra thiết bị mà cô đang đeo trên mắt: một thiết bị với miếng nhôm và nhựa mỏng, cùng một thấu kính khá lạ ở ngay dưới lông mày. Google Glass.
Thứ có thể coi là hoàn toàn kì cục vào năm ngoái và gần như viễn tưởng vào 18 tháng trước, giờ đây trông như một sản phẩm thực sự, có thể đến tay (hoặc đeo trên đầu) người dùng trong năm nay. Nó là một thứ thiết bị điện toán hoàn toàn mới: có thể đeo được, với thiết kế giúp giảm sự mất tập trung, cho phép bạn ghi lại những khoảnh khắc và giao tiếp mà vẫn cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Đó là thứ hoàn toàn ngược với chiếc smartphone.
Nhưng sau cái bắt tay đó, tôi nhìn kĩ vào thiết bị lạ kì kia, và trong đầu xuất hiện một câu hỏi: ai dám đeo cái này ra đường?
Mục tiêu của dự án Google Glass
Dự án Google Glass được khởi động khoảng 3 năm trước, bởi một kỹ sư tên Babak Parviz, nằm trong số các dự án của Google X Lab. Đây là phòng thí nghiệm đã thực hiện nhiều ý tưởng độc đáo, trong đó có xe tự lái và mạng nơ-ron. So với nhiều dự án trong số đó, Google Glass đã trở thành thực tế sớm hơn nhiều. Google đã cho phép các nhà phát triển mua sản phẩm sớm trong dự án phát triển Explorer Program ở hội nghị Google I/O giữa năm ngoái, và trong tuần này họ đã cho phép bất kỳ người nào ở Mỹ được mua sản phẩm, với điều kiện là tham gia khảo sát trên Twitter. Nó vẫn còn ở trong giai đoạn thử nghiệm sơ khai – giống như rất nhiều dự án "beta" khác của Google.
Trước khi thử nghiệm thiết bị này, tôi có một vài câu hỏi.
Ngồi đối diện với tôi trong căn phòng là hai nhân vật quan trọng nhất của quá trình phát triển Google Glass, giám đốc sản phẩm Steve Lee và thiết kế trưởng Isabell Olsson. Họ cũng là hai người phát ngôn chính về sản phẩm này. Steve luôn tỏ ra hứng thú mỗi khi nói về Glass, và Isabelle cũng vậy. Cô ấy có niềm đam mê với việc thiết kế.
Trải nghiệm Google Glass
Hai nhân vật quan trọng của dự án Google Glass
"Vì sao chúng tôi lại làm dự án này? Chúng ta đều biết rằng con người muốn kết nối. Các gia đình thường xuyên nhắn tin cho nhau, những người yêu thể thao thì liên tục kiểm tra tỉ số của trận đấu có đội bóng yêu thích. Nếu bạn là một người thường xuyên công tác, bạn cần phải nắm bắt được thông tin về chuyến bay hay bất kỳ thay đổi nào. Công nghệ cho phép chúng ta kết nối như vậy. Tuy nhiên, nó cũng mang lại sự mất tập trung".
Con người đã có thêm một vấn đề kể từ khi iPhone xuất hiện, cùng với cuộc cách mạng di động: không ai còn tập trung vào thứ mà họ đang làm. Có vẻ như mọi người đều luôn nhìn xuống cái gì đó. Bạn xem ca nhạc hay màn trình diễn của con cái không phải bằng mắt thật, mà là qua ống kính của máy quay hay máy ảnh; hoặc giây phút đó liên tục bị gián đoạn bởi những thông báo. Những thông báo của thế giới bên ngoài đến với bạn vào những khoảng thời gian riêng tư.
"Chúng tôi tự hỏi, nếu như ta đem công nghệ đến gần hơn các giác quan thì sao? Liệu điều đó có cho phép bạn có thông tin nhanh hơn hay kết nối với những người khác, nhưng đồng thời, với một thiết kế hợp lý, cho phép bạn quên nó đi khi bạn không dùng tới? Đấy là lý do chúng tôi thực hiện Glass. Nó là thứ công nghệ mà bạn đeo được. Đây là một cách giải quyết vấn đề rất tham vọng, và là lý do nền tảng để chúng tôi thực hiện Glass". Steve tiếp lời, còn tôi thì không thể không nhìn vào cái kính trên mắt anh.
Tôi hiểu. Chúng ta bị phân tâm, và không ai tập trung được nữa. Nhưng đây không phải là một vấn đề mới, không phải lần đầu tiên chúng ta mất tập trung vì công nghệ. Đã có lúc người ta nghĩ đài gắn trên xe sẽ khiến người lái mất tập trung vào lao ra khỏi đường cơ mà. Rồi sẽ có cách khắc phục việc này chứ.
Có lẽ là như vậy, nhưng rõ ràng đội ngũ phát triển Glass không muốn chờ đợi. Isabelle kể với tôi về thời điểm ý tưởng đến với cô: "Một hôm, tôi đi làm – tôi làm việc ở San Francisco, và tôi phải tới Mountain View. Tôi đứng ở hàng chờ lên xe, và tôi thấy một hàng khoảng 15 người như thế này", cô cúi xuống và làm điệu bộ như đang nhìn vào điện thoại. "Tôi không muốn làm như vậy, anh biết đấy. Tôi không muốn thành một người như thế. Đó là lúc tôi nảy ra ý tưởng, OK, chúng ta phải làm được nó. Nó phá cách. Nó điên rồ. Nhưng chúng tôi nghĩ mình có thể làm cho nó thú vị".
Phá cách và điên rồ có vẻ là những từ miêu tả đúng, đặc biệt là khi Steve cho tôi biết Google dự tính có thể cho Glass ra mắt thị trường trong năm nay.
"Thiết kế đẹp như Google"
Trải nghiệm Google Glass
Thiết kế của Glass thực sự rất đẹp. Thanh lịch, trang nhã. Chúng trông giống một đồ vật bình thường, nhưng cũng hơi giống một thứ đồ ngoài hành tinh. Giống như một thứ tới từ tương lai nhưng lại không hoàn toàn lạc lõng. Nó giống như với những gì Apple có thể làm. Không, còn hơn cả những thiết kế gần đây của Apple. Nó đột phá, mới lạ, thú vị, và bằng cách nào đó trông vẫn rất đơn giản. Chất liệu này cho cảm giác rất tốt khi cầm trong tay và cả khi đeo lên, nhẹ nhưng vẫn chắc chắn. Thoải mái. Nếu như Google có thể tiếp tục đưa ra những sản phẩm như vậy, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có cụm từ "thiết kế đẹp như Google". Kể cả việc đóng gói cũng rất chu đáo.
<br />
Thiết bị này chỉ bao gồm một vài phần. Phần chính là thân kính chứa bộ phận xử lý, pin và gọng kính (và không có mắt kính). Một tấm kim loại mỏng tạo thành phần gọng trên, và những miếng đệm như trên kính thông thường cho phép bạn đeo kính thoải mái.
Phiên bản đầu tiên của thiết bị này có rất nhiều màu, bao gồm xám, cam, đen, trắng và xanh nhạt. Tôi cũng đùa với Steve và Isabelle khi đưa ra những tên gọi sáng tạo hơn cho các màu: Graphite cho màu xám, hay Tomato, Onyx, Avalanche…
Sau đó là một cuộc bàn luận về sự quan trọng của màu sắc đối với một sản phẩm mà bạn đeo hàng ngày. "Đây là một trong những thứ mà bạn cho rằng chẳng quan trọng gì, nhưng thực sự chúng tôi bắt đầu nhận ra người dùng cảm thấy gắn bó với thiết bị, và một phần là do màu sắc".
Và đúng là như thế. Khi tôi nhìn thấy và thử một vài màu sắc, tôi bắt đầu phân vân xem màu nào thể hiện đúng "tôi" nhất. Không hẳn như kiểu bạn đang đeo mắt kính yêu thích, nhưng nó cũng gây ra cảm giác gần tương tự.
V6Tsrg_EQMw
Isabelle từng làm việc ở công ty thiết kế của Yves Behar, trước khi tới với Google. Khi cô tham gia vào đội ngũ phát triển Glass, sản phẩm này mới chỉ là một cặp mắt kính màu trắng, với hai bảng mạch điện tử kỳ cục được gắn vào hai bên. Cô đem cho tôi xem bản thử nghiệm đầu tiên, với mắt kính lủng lẳng và một sợi dây màu xám nối từ bên này sang bên kia. Nhiệm vụ của Isabelle là làm cho Glass trở thành một thứ bạn có thể đeo, dù cho bạn không chắc rằng bạn muốn đeo nó. Hiện nó vẫn là một nhiệm vụ khó.
V6Tsrg_EQMw
Bản mẫu ban đầu của Google Glass
Phiên bản Explorer mà Google bán ra vào tuần này có phụ kiện mắt kính chống nắng thay được, và tôi phải công nhận rằng nó giúp Google Glass trông hợp lý hơn hẳn. Tôi cũng nhận thấy rằng bộ phận đó có thể tách ra khỏi bộ xử lý và ống kính ở mắt phải, để tạo nên bề ngoài khác hẳn. Steve và Isabelle không cho biết họ có hợp tác với các công ty sản xuất kính mắt như Ray-Ban hay Tom Ford hay không, nhưng tờ New York Times cho biết Google đã trao đổi với một nhà sản xuất kính mắt khác là Warby Parker, và tôi không nghi ngờ tin đồn này. Rõ ràng Google đã nhận ra rằng thiết bị này không phải chỉ đeo được, mà còn phải khiến người dùng muốn đeo nó.
Đối với tôi thì Google Glass có thiết kế rất đẹp, nhưng tôi vẫn không muốn đeo nó lên.
Sử dụng thực tế
Cuối cùng tôi cũng có cơ hội đeo thiết bị này lên, và thử xem Glass thực tế như thế nào. Tôi đã chờ đợi giây phút này cả ngày.
Khi bạn bật Glass lên, đúng ra phải có một màn hình nhỏ ở phía góc trên, bên phải tầm mắt, nhưng tôi lại không nhìn thấy nó. Tôi chỉ thấy một vùng mờ mờ. Sau đó, Steve và Isabelle phải chỉnh lại miếng đỡ trên mũi, và bỗng nhiên tôi lại thấy màn hình nhỏ sáng lên. Tuyệt.
Phải mất một lúc để bạn làm quen, và ban đầu thì bạn sẽ thấy hơi khó chịu, khi nó hiện lên và biến mất mà tôi không biết vì sao. Cũng may là điều này chỉ xảy ra một lần.
Bạn sẽ thấy thời gian được hiển thị, và phía dưới là dòng chữ "ok glass". Đây là lệnh để đọc lên khi muốn bật Glass. Thực chất thì quá trình này bao gồm hai bước. Bước đầu tiên là phải chạm vào phía cạnh của kính (đây là một bàn di cảm ứng), hoặc ngẩng đầu lên từ từ, một động tác khiến cho Glass bật lên. Sau đó, bạn có thể nói câu "ok glass", hay kéo tay dọc qua các lựa chọn hiện lên. Di tay dọc trên thân kính sẽ giúp di chuyển qua các lựa chọn, chọn bằng cách gõ vào thân kính, và quay lại bằng cách kéo xuống. Tuy vậy hầu hết các thao tác điều khiển quan trọng đều thực hiện qua giọng nói.
Thiết bị này được kết nối với mạng Internet qua Wi-Fi, hoặc thông qua điện thoại Android hoặc iPhone với kết nối Bluetooth. Nó không được trang bị kết nối mạng di động, nhưng lại có một chip GPS.

Phải nói rằng khi sử dụng thực tế, Google Glass không khác mấy so với video giới thiệu mới nhất của Google. Những gì bạn thấy không phải là đoạn phim được dựng bằng kỹ xảo – đó là trải nghiệm thực tế với Glass. Nó rất đơn giản, đẹp và hợp lý. Màn hình không hề khiến bạn thấy khó chịu. Nó hiện lên khi bạn cần, và sau đó biến mất. Nó giống như có một thứ mới lạ xuất hiện trong tầm nhìn của bạn. Và nó rất tuyệt.
Chiếc Glass làm tất cả những việc đơn giản sau khi bạn nói "ok glass". Đó là những việc bạn muốn làm khi có một chiếc máy ảnh gắn trên mặt. "Take a picture" ra lệnh chụp ảnh, còn "record a video" sẽ thực hiện quay một đoạn phim 10 giây. Nếu như bạn muốn làm thêm điều gì, chỉ cần gõ vào cạnh kính. Khi nói "ok glass, Google", bạn sẽ được kết nối với dịch vụ tìm kiếm của Google, với những tính năng như Google Now hay Knowledge Graph. Mỗi khi đặt ra một câu hỏi cho Glass, bạn thường nhận được một bảng đầy các thông tin, giống như khi sử dụng Google Now trên Android.
Ngôn ngữ tìm kiếm đơn giản và hầu như luôn đưa ra kết quả tốt, nhưng đôi khi kết quả trả về chỉ là những dòng chữ đơn điệu. Không phải lúc nào Glass cũng nghe đúng những gì bạn nói, hoặc có thể nó nhận giọng nói hơi chậm. Tôi liên tục gặp vấn đề khi đưa ra những câu lệnh quá nhanh so với tốc độ nhận của Glass. Dù vậy, khi nó nhận đúng câu nói thì thường là nó phản hồi và đưa ra kết quả rất nhanh.
Vấn đề chính thực ra lại khá thông dụng: không có kết nối. Rõ ràng Glass yêu cầu một kết nối dữ liệu ổn định, và khi bạn mang nó ra ngoài, việc không có kết nối hay kết nối tốc độ chậm khiến cho thiết bị này gần như không sử dụng được.
Steve và Isabelle cũng biết nó chưa đem lại một trải nghiệm hoàn hảo. Thực tế, đội ngũ phát triển đã dự tính sẽ đưa ra bản cập nhật và sửa lỗi hàng tháng khi đưa ra chương trình Explorer. Hiện tại nó vẫn còn là một sản phẩm đang trong quy trình phát triển.
Nhưng điểm thú vị nhất của Glass không phải là chức năng tìm kiếm của nó. Google quan tâm đến những gì thiết bị có thể làm giúp bạn. Nếu như muốn biết thông tin về thời tiết, nó có thể hiện ra cho bạn. Khi cần tìm đường, nó sẽ hiện lên một bảng dẫn đường chi tiết. Khi cần, bạn cũng có thể bật cuộc hội thoại Google Hangout, để những người bạn có thể xem được những gì trước mắt bạn.
Nhưng rõ ràng tính năng mà mọi người quan tâm nhất là khả năng chụp ảnh và quay phim. Nói thật, thật là một điều tuyệt diệu (và cũng hơi đáng sợ) khi bạn có thể quay phim hoặc chụp ảnh chỉ bằng vài lần lướt ngón tay hay ra lệnh bằng giọng nói.
Khi thử dùng Glass, nhóm chụp ảnh của chúng tôi tới một cửa hàng Starbucks gần đó. Ngay khi vào trong cửa hàng, nhân viên đã yêu cầu chúng tôi không quay phim. Tất nhiên, không vấn đề. Nhưng tôi tiếp tục quay phim trong cả quá trình gọi đồ. Khi quay phim thì Glass vẫn bật một bóng đèn nhỏ, nhưng tôi cảm thấy chẳng có ai biết tôi đang đeo cái gì. Nhân viên thu ngân có vẻ như muốn hỏi tôi đang đeo loại kính gì, nhưng rồi lại thôi. Và tất nhiên anh ta không yêu cầu tôi dừng quay phim.
Một khi những thiết bị Explorer được phát hành rộng rãi, bạn có thể sẽ thấy nó được sử dụng đúng và sai mục đích. Steve cho biết một mục tiêu của chương trình Explorer là để xem người dùng muốn làm việc gì với Glass. "Điều đó thực sự quan trọng. Điều chúng tôi đang muốn làm là mở rộng cộng đồng những người sử dụng Glass. Hiện tại chỉ có đội ngũ phát triển và một vài người khác ở Google đang thử nghiệm thiết bị này. Chúng tôi muốn những người không thuộc Google cũng được làm điều đó. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng, bởi vì Glass là một sản phẩm rất mới và nó không phải là một phần mềm. Chúng tôi muốn biết mọi người sẽ tích hợp nó vào cuộc sống như thế nào. Đây là một thiết bị rất gần gũi. Chúng tôi muốn hiểu cách mọi người dùng nó. Chúng tôi có một cơ hội lớn để phát triển Glass, với những phản hồi về sản phẩm và phát triển cả một cộng đồng cho nó".
Trải nghiệm Google Glass
Tôi hỏi lại, liệu có phải họ đang xây dựng một thứ "quy ước" cho Glass hay không. Steve cho biết đó là mục đích của chương trình Explorer. Nhưng nó không trả lời được cho câu hỏi điều gì là đúng hay sai, khi người ta có thể chụp ảnh mà chẳng cần phải cầm một cái máy ảnh, và thường là không bị phát hiện. Liệu người ta có thoải mái với việc ấy hay không?
Vấn đề quyền riêng tư sẽ là một vấn đề lớn của Google với Glass, và cũng sẽ khó khăn như vấn đề làm thế nào để thuyết phục những người bình thường đeo lên mắt một thứ giống như tới từ hành tinh khác, và không hề thời trang chút nào, như Glass. Nhưng cảm giác khi đeo Glass lên, thực sự là khá tuyệt.
Hãy tưởng tượng thế này. Giả sử bạn có một tin nhắn hay một cuộc gọi tới khi đang đi trên đường, và bạn phải mất một vài thao tác để trả lời. Và chắc chắn các thao tác đó sẽ khiến bạn quên điều mình đang làm: đi bộ trên phố. Với Glass, thông tin sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn, chờ bạn giải quyết. Và việc phản hồi rất đơn giản, chỉ là chạm vào cạnh của kính hay ngẩng đầu lên đôi chút – chắc chắn không làm bạn xao nhãng tới mức đâm vào người khác.
Khi áp dụng vào thực tế, đó là một ý tưởng cực kì hữu ích.
Việc dẫn đường cũng tương tự. Khi tôi ra khỏi tàu điện ở New York, thường thì tôi phải mở ngay Google Maps để tìm đường. Kể cả khi đã ở đây tới hơn 10 năm, tôi vẫn không biết phải ra cổng nào để ra khỏi ga tàu điện ngầm. Tôi vẫn chưa quen lắm với việc xem chỉ đường từ Glass, nhưng việc không phải tập trung vào thiết bị trong tay là rất quan trọng. Ở trong thành phố, Glass khiến cho bạn cảm thấy được trang bị kĩ lưỡng hơn, và tất nhiên là sẽ đỡ lạc đường.
Nhưng tôi cũng phải thừa nhận, Glass khiến cho tôi hơi mất tự tin. Có thể tôi ngộ nhận, nhưng tôi cảm thấy rất nhiều người nhìn mình. Bất cứ ai nhìn vào mắt tôi có vẻ như đều muốn tiến lên và hỏi "cái quái gì thế", và điều này khiến tôi không thoải mái.
Steve cho biết mọi người rất thích thú muốn tìm hiểu về Glass. "Chúng tôi đã đeo thứ này ở ngoài cả năm nay, và thực sự làm thế rất thú vị. Trước đây, chúng tôi rất hứng thú và tự tin với thiết kế của mình, nhưng không thử đeo ra ngoài thì bạn không biết được. Tất nhiên bạn tôi vẫn trêu rằng ‘chẳng cô nào để ý đến anh đâu, trông kì quái quá'. Nhưng thực tế thì lại ngược lại".
Tôi không nghĩ Glass hợp để sử dụng ở mọi tình huống. Có thể với những bậc cha mẹ muốn quay phim lại con mình, những người nhảy dù quay phim khi không thể dùng tay điều khiển, hay bạn du lịch ở Thái Lan và muốn dịch thuật thì nó sẽ hữu ích. Nhưng với nhiều hoàn cảnh khác, nó khiến bạn khó chịu hay không quen. Đôi khi bạn muốn bị phân tâm giống như bình thường. Đôi khi bạn muốn mọi người nhìn vào bạn, chứ không phải là thứ trên mặt bạn, thứ mà có thể đang âm thầm quay phim.
Trải nghiệm Google Glass
Và điều đó khiến tôi lặp lại câu hỏi ban đầu: ai muốn đeo thứ này ở nơi công cộng?
Câu hỏi là: bao giờ?
Thực sự là tôi bắt đầu thích Glass khi sử dụng nó. Nó không khó chịu, và đem lại rất nhiều giá trị. Ban đầu tôi thấy nó không hợp với mình lắm, nhưng càng lúc tôi càng thấy ổn hơn.
Tấm kính chống nắng mà Google bán cùng thiết bị khiến cho nó giống với một mắt kính thông thường hơn. Việc hợp tác với một nhà sản xuất kính mắt sẽ càng cải thiện vấn đề này. Thực sự không khó để thấy bạn sẽ làm thế nào để sử dụng thiết bị một cách thoải mái.
Nhưng liệu nó đã sẵn sàng để thành một thiết bị mọi người có thể dùng? Không hẳn. Liệu đội ngũ phát triển có còn nhiều việc để làm, giúp cho việc sử dụng thiết bị hoàn hảo hơn? Chắc chắn rồi.
Về phần mình, tôi tin rằng đây không chỉ là một ý tưởng điên rồ của Google. Càng sử dụng nhiều, tôi càng cảm thấy muốn sở hữu Glass. Nếu Google cho phép tôi đăng ký để tích hợp công nghệ Glass vào mắt kính hiện tại, tôi chắc chắn sẽ làm ngay lập tức. Đấy chính là điểm khác biệt giữa một thiết bị dành cho những gã hâm, và một sản phẩm mà ai cũng muốn dùng thử.
Chỉ sau vài giờ với Google Glass, câu hỏi của tôi đã chuyển từ "nếu", thành "bao giờ"?
Anh Lê
http://vnreview.vn/tin-tuc-san-pham-moi/-/view_content/content/434632/tong-bien-tap-the-verge-chia-se-trai-nghiem-google-glass 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét