Sau hơn 30 năm nắm giữ ngôi vị độc tôn, BIOS (Basic Input Output System: Hệ thống xuất nhập cơ bản) của IBM đã bắt đầu cúi hạ mình và bước dần vào sau cánh gà sân khấu. Và "người diễn viên" mới giành được sự quan tâm chú ý tiếp theo chính là UEFI, một đặc tả mà khởi thủy có tên gọi là Intel Boot Initiative xuất hiện từ năm 1998 nhằm giải quyết những gì hạn chế của BIOS gây trì trệ cho các hệ thống máy tính trang bị bộ vi xử lý Intel Itanium. Sau đó, Initiative đã trở thành EFI và đến năm 2005, Intel đã phát triển EFI thành một hình thái mới thông qua diễn đàn UEFI - một dạng liên minh với sự có mặt của các đại gia trong lĩnh vực sản xuất chipset, phần cứng, firmware và hệ điều hành như AMD, Apple, IBM, Intel, Microsoft, v.v…
UEFI là gì?
UEFI (viết tắt của Unified Extensible Firmware Interface - Giao diện firmware mở rộng hợp nhất) là một sự xác lập lại hoàn toàn cho môi trường khởi động máy tính, và theo quan điểm đó, nó hầu như không có gì giống với BIOS cả. Trong khi BIOS về cơ bản là một mẫu firmware cố định, thì UEFI là một giao diện phần mềm có thể lập trình và được bố trí nằm trên phần cứng và firmware của máy tính (và thực sự là UEFI có thể được bố trí nằm bên trên cả BIOS nữa). Thay vì chứa toàn bộ các mã khởi động trong BIOS của bo mạch chủ, thì UEFI sẽ được đặt trong thư mục /EFI/ và thư mục này được lưu trong bộ nhớ cố định (tức sẽ không mất đi thông tin). Bộ nhớ cố định (non-volatile memory) thì có nhiều hình thức khác nhau, hoặc là bộ nhớ NAND gắn trên bo mạch chủ, hoặc là ổ cứng, hoặc trên mạng chia sẻ và còn nhiều dạng khác nữa.
Tính năng của UEFI
Với phương thức hoạt động được xác lập như vậy, UEFI có đặc điểm gần như tương tự một hệ điều hành gọn nhẹ. Khi máy tính khởi động vào UEFI, một loạt tác vụ bất kỳ sẽ được thực thi rồi tiếp theo sẽ kích hoạt quá trình nạp hệ điều hành chính. Với khả năng phụ trợ cho hệ điều hành chính, đặc tả UEFI sẽ thực thi các dịch vụ khởi động và runtime, hỗ trợ thực thi các giao thức giao tiếp giữa các dịch vụ và driver của thiết bị phần cứng (lưu ý là UEFI được thiết kế để hoạt động trên mọi nền tảng), các thành phần mở rộng (extension), và thực thi cả EFI shell (dạng nền tảng hỗ trợ chạy các ứng dụng EFI. Bên trên tất cả các tác vụ này là trình khởi động (boot loader) của UEFI, có chức năng khởi chạy boot loader của hệ điều hành.
Vì có dạng như một hệ điều hành lai, UEFI có thể truy xuất tất cả các phần cứng trong máy tính. Người dùng có thể truy cập Internet bằng giao diện UEFI, hoặc sao lưu dữ liệu ổ cứng, v.v… Tất cả các công việc tương tự đều có thể thực hiện thông qua một giao diện đồ họa điều khiển bằng chuột. Một điều kiện thực tế nữa là tất cả các dữ liệu boot này đều được chứa trên bộ nhớ NAND flash hoặc trên ổ cứng, nhờ vậy người dùng sẽ có nhiều không gian hơn để tích hợp các chức năng khác như thay đổi ngôn ngữ cho giao diện, chẩn đoán lỗi khởi động (không phải đoán qua tiếng bíp POST nữa!), và nhiều tiện ích như sao lưu, phục hồi, quét virus/malware, v.v...
Nền tảng hỗ trợ
Để có được các khả năng trên, UEFI tất yếu phải được xây dựng hoàn toàn trên nền tảng phần mềm để giúp nó có được tính hợp nhất. Cho đến nay, UEFI đã được ứng dụng trên hầu hết các chip kết hợp 32-bit và 64-bit của ARM, Intel và AMD, và đối với mỗi nền tảng, chỉ cần xây dựng đoạn mã khởi động phù hợp với đối tượng mà thôi.Bạn có thể đọc thêm thông tin về UEFI (bằng tiếng Anh) trên các trang Wikipedia, UEFI Forum, và How-To Geek.
Các hệ điều hành phổ biến dành cho desktop (OS X và Windows) và dành cho máy chủ (Linux) hiện nay đều hỗ trợ đặc tả khởi động UEFI. Windows 8 sẽ có những tính năng chỉ hoạt động riêng với UEFI, mặc dù hệ điều hành này vẫn chạy trên máy tính có cơ chế khởi động chuẩn qua BIOS).
Ngoài giao diện phần mềm có tính mở rộng hợp nhất, UEFI còn cung cấp một vài tính năng chuẩn khác, như là khả năng phát hiện nhiễm virus dạng rootkit và malware khi khởi động vào Windows 8 nhờ có chức năng khởi động an toàn của UEFI. Mã hóa cấp thấp, xác thực kết nối mạng network, cài đặt driver đồ họa chung và nhiều tính năng khác cũng đều được cung cấp dưới dạng tiêu chuẩn của UEFI.
Cuối cùng, cần nói thêm là UEFI đến thời điểm này vẫn còn ở tuổi vị thành niên cũng như có rất ít hệ điều hành thực sự tận dụng được vài tính năng kể trên của UEFI. Linux chắc chắn là có hỗ trợ UEFI, nhưng chưa có phiên bản Linux distro nào khai thác nó. Mac OS X cũng chỉ mới làm tốt hơn một chút với UEFI bằng trình quản lý khởi động Bootcamp. Còn Windows 8 khi phát hành chính thức vào năm sau có lẽ là hệ điều hành đầu tiên tận dụng UEFI gần như triệt để với các tính năng phục hồi, làm tươi, khởi động an toàn và có thể nhiều hơn nữa.
Nguồn: http://www.hdvietnam.com/diendan/4-software-ky-thuat-phan-mem/221989-tim-hieu-ve-uefi-giai-phap-thay-bios.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét