Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

LÀN SÓNG GIỚI TRẺ VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở ĐÔNG NAM Á

Lao động VN có kỹ năng ngày càng có xu hướng đi làm ở nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 cũng như việc mở rộng thị trường của nhiều công ty trong khu vực và thế giới.
Có đến 80% người Việt mong muốn làm và tìm việc ở Singapore, theo sau là Malaysia và Philippines với 12%, theo báo cáo của JobStreet năm 2016. Bên cạnh đó, một khảo sát những điểm đến làm việc hấp dẫn ở Đông Nam Á chỉ ra rằng, lao động VN nằm trong tốp 3 quốc tịch thích làm việc tại Singapore và Thái Lan.
Không còn là câu chuyện "xuất khẩu lao động"
Khi nhắc đến việc đi làm ở nước ngoài, đa số người VN hay sử dụng thuật ngữ "xuất khẩu lao động". Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính trong 15 năm (2000 - 2015), có khoảng 80.000 - 100.000 lao động hợp đồng VN được gửi ra nước ngoài làm việc mỗi năm, chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ả Rập Xê Út, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Trong 6 tháng đầu năm 2019, số lao động theo hình thức này là 66.983 người, trong đó có 18.995 lao động nữ. Xuất khẩu lao động được xem là giải pháp cho vấn đề thất nghiệp trong nước, giảm nghèo và tạo nguồn thu nhập cao.
Tuy nhiên, phần lớn lao động đến từ vùng nông thôn và làm việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, đánh bắt, nông nghiệp, giúp việc nhà và các ngành dịch vụ khác. Dòng dịch chuyển lao động này khác với di cư lao động trong khu vực Đông Nam Á gần đây.
Phạm Thụy Bích Nhi, 25 tuổi, đang làm việc chăm sóc khách hàng tại Bangkok (Thái Lan) ở công ty toàn cầu về du lịch trực tuyến và các dịch vụ liên quan, cho rằng làn sóng các bạn trẻ tìm việc ở Đông Nam Á không còn đơn thuần là câu chuyện xuất khẩu lao động. "Những công việc cần nhân sự ở Đông Nam Á không còn là công việc tay chân hay dạng công việc xuất khẩu lao động mà đã có yêu cầu nhân sự kỹ năng, tri thức, cũng như kinh nghiệm và bằng cấp. Ví dụ những công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), chăm sóc khách hàng, nghiên cứu hay xử lý, phân tích dữ liệu", Bích Nhi chia sẻ.
Trần Hà Giang, tốt nghiệp đại học tại VN, từng làm việc tại Cộng hòa Czech và Đức, sau đó, Giang chuyển về làm ở Malaysia khoảng 6 tháng ở phòng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và được công ty luân chuyển vị trí đến Singapore phụ trách marketing. Bạn trẻ 26 tuổi cho rằng ASEAN là thị trường lao động tiềm năng đối với giới trẻ Việt. "Hiện VN có dân số cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và khả năng tiêu thụ nhiều, những yếu tố này khiến VN là một thị trường lớn ở Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia và Thái Lan, và các công ty đổ về đây đầu tư, đồng nghĩa rằng họ cần người Việt ở những trụ sở vùng và quản lý thị trường VN. Như vậy có nhu cầu cho nhân lực Việt với những bạn có năng lực và mong muốn đi làm ở nước ngoài", Giang nói.
Ảnh: Diệp Uyên
Dịch chuyển tự do trong khối ASEAN?
Nhiều báo cáo chỉ ra rằng sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 không chỉ tạo điều kiện kinh tế khu vực tích hợp hơn, mà còn thúc đẩy sự di chuyển tự do của các chuyên gia và lao động kỹ năng cao trong khu vực.
Hiện có 8 ngành nghề được triển khai thông qua Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) do chính phủ các nước ASEAN đàm phán nhằm công nhận chứng chỉ tay nghề ở các nước thành viên và thiết lập quy trình cho lao động kỹ năng cao, chuyên gia, làm việc ở các nước trong khu vực. 8 ngành nghề bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, khảo sát viên và du lịch.
Tuy nhiên, dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề dưới thỏa thuận này khá hạn chế, chỉ khoảng 1,4% hoặc ít hơn, so với tổng việc làm của các nước ASEAN, theo một báo cáo của ILO-ADB năm 2014. Bên cạnh đó, các nước ASEAN có những chính sách và sự mở cửa nhất định đối với lao động nước ngoài tham gia vào thị trường lao động địa phương. Trong khi đó, các quy chuẩn về công nhận kỹ năng ở các nước cũng khó thống nhất. Tài liệu "Open Windows, Closed Doors" chỉ ra du lịch là ngành duy nhất được công nhận năng lực. Còn những ngành kế toán, kỹ sư và kiến trúc sư có những rào cản lớn, trong khi ngành "khó mở cửa" nhất là nhóm ngành y tế. Như vậy, dịch chuyển tự do trong khối ASEAN gần như đóng.
Yếu tố mới nổi
Báo cáo của dự án TRIANGLE in ASEAN của ILO nhận định di cư lao động là một yếu tố mới nổi của thị trường lao động ASEAN trong khi di cư giữa các nước ASEAN cũng tăng lên. Theo báo cáo vùng mà JobStreet, mạng lưới tuyển dụng khu vực, gửi đến Báo Thanh Niên, số lượng người trẻ Việt có kỹ năng cao đến làm ở các nước Malaysia, Singapore và Indonesia tăng lần lượt 11%, 38% và 8% trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, so với 12 tháng của năm 2018.
Cải thiện chất lượng giáo dục 
Các nền kinh tế thường chuyên cung cấp người lao động di cư với một kỹ năng cụ thể, trong khi thị trường lao động ở các nền kinh tế tiếp nhận thường yêu cầu các kỹ năng hoặc trình độ giáo dục khác nhau. Ví dụ, mặc dù Singapore thường áp dụng chính sách song song đối với lao động nhập cư có tay nghề thấp và chuyên nghiệp, chính phủ nước này vẫn ưu tiên tuyển dụng người di cư có tay nghề cao hơn. Vì vậy VN cũng nên có những chính sách thúc đẩy lao động có kỹ năng làm việc ở nước ngoài.
Gần 2/3 người di cư từ Philippines có bằng đại học, trong khi trung bình tại nước này chưa đến 1/3 dân số tốt nghiệp đại học. Sự chênh lệch này một phần là do hầu hết người lao động Philippines di cư sang nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn, và một phần do chiến lược của chính phủ. Chính phủ Philippines khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách cải thiện chất lượng giáo dục thông qua các biện pháp chứng nhận, thường là hợp tác với các nền kinh tế tiếp nhận lao động như Canada.
Ông Mark Alan Brown, Trưởng văn phòng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) TP.HCM, khẳng định: "Chúng tôi là tổ chức khuyến khích việc di chuyển tự do, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các nước thành viên ASEAN, trong đó có VN, dỡ bỏ các hạn chế, từ đó thúc đẩy việc di cư lao động tự do". Chính bản thân ASEAN cũng đang tiếp tục cải thiện và khuyến khích việc di chuyển tự do, một trong những mục tiêu khi thành lập AEC, không chỉ ở 8 ngành nghề như hiện nay.
Mời các bạn tham gia Group Cộng đồng VnReview để thảo luận và cập nhật tin tức công nghệ cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.
Theo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét