KĨ HƠN VỀ THIẾT KẾ CỦA MAC PRO: KHÔNG CHỈ ĐẸP MÀ CÒN CÓ NHIỀU TÁC DỤNG
Apple làm ra Mac Pro với thiết kế rất trau chuốt, không chỉ để làm cho sản phẩm đẹp mà còn có nhiều tính năng. Ngoài ra, Apple buộc phải chăm chút cho chiếc máy tính chuyên nghiệp của mình để không bị nói là bỏ bê thị trường "pro" sau thất bại của chiếc Mac Pro thùng rác năm 2013.
Khung máy và vỏ ngoài
Từ ngoài nhìn vào chiếc Mac Pro được "thống trị" bởi một cái vỏ nhôm, nổi bật với tay cầm và chân đế trồi ra khỏi phần khung hình chữ nhật.
Ở phía trên có một cái khóa dạng tròn, nó sẽ giúp tách vỏ máy ra khỏi khung, ngoài ra nó còn có tác dụng trở thành một cái tay cầm để bạn kéo vỏ máy lên dễ dàng hơn. Sau khi tách vỏ ngoài, bạn có thể thấy linh kiện bên trong và thay thế, gắn thêm những thứ bạn cần. Không có ốc vít, không có những cái lẫy thô kệch, việc mở vỏ rất tinh tế.
Phần vỏ máy được làm hoàn toàn từ máy tiện CNC, nó được phun cát và mạ nhôm, phần này được làm rất cứng và có thể tự mình đứng mà không cần khung. Phần trước và sau được khoét lỗ để thông gió, cái này chúng ta sẽ bàn sau.
Thật ra đây không phải lần đầu tiên Apple sử dụng thiết kế này. Từ năm 2000-2001, chiếc Power Mac G4 Cube cũng đã sở hữu các mở vỏ tương tự. Bạn có thể xem hình bên dưới là liên tưởng được ngay.
Thiết kế tản nhiệt của chiếc Mac Pro mới cũng được lấy cảm hứng từ một sản phẩm đi trước: chiếc Power Mac G5 (dạng máy thùng) ra mắt năm 2003. Người ta hay gọi vui nó là đồ bào phô mai đó
Chiếc G5 được chia làm 4 vùng tản nhiệt bằng các vách nhựa. Mỗi vùng có quạt quay chậm để hút không khí từ mặt trước máy vào, không khí đi qua linh kiện làm mát chúng và khí nóng được đẩy ra ở đằng sau thùng máy. Ở cái thời 2003, thiết kế tản nhiệt này có thể xem là "cách mạng" khi mà đa số thùng máy bàn khác chỉ dùng 1 vùng tản nhiệt lớn duy nhất mà thôi, kém hiệu quả hơn G5.
Việc tách không gian ra làm nhiều vùng nhỏ cho phép kiểm soát nhiệt độ từng khu vực và làm mát độc lập với phần còn lại. Quạt chỉ quay khi một hoặc vài linh kiện nào đó bị nóng chứ không phải quay hết mọi quạt có trong thùng, kết quả là chúng ta có hệ thống tản nhiệt im lặng hơn và làm mát hiệu quả hơn.
Trong chiếc Mac Pro mới, Apple dùng một miếng kim loại mà họ gọi là "Sea wall" (bức tường biển) cùng với bo mạch chủ để chia nội thất Mac Pro làm 2 khu vực tản nhiệt. Ở phấn rộng hơn nằm phía trước bo mạch, 3 quạt lớn sẽ hút không khí nguội vào, không khí đi qua ống tản nhiệt của CPU và các card mở rộng trước khi được đẩy ra ngoài ở phía sau.
Mặt kia của mainboard thì có một quạt nhỏ hơn hút không khí đi qua RAM, ổ SSD, bộ nguồn và đẩy ra sau.
Chân đế màn hình
Chân đế giá 1000$ của màn hình Pro Display XDR được thiết kế để có thể di chuyển góc màn hình một cách thoải mái, theo bất kì phương và hướng nào bạn muốn nhờ một cái "arm" linh hoạt.
Thực ra từ năm 2002 Apple đã dùng thiết kế chân kiểu này trên chiếc iMac G4. Đây là chiếc iMac đầu tiên dùng màn hình phẳng và nó có một cái arm nói màn hình với thân. Cái arm này chắc chắn tới nỗi Apple nói bạn có thể dùng nó làm tay cầm khi cần di chuyển chiếc iMac của mình.
Thiết kế lỗ tản nhiệt
Thiết kế của các lỗ này được "kiểm soát" hoàn toàn bởi tính năng mà Apple mong muốn. Nó giải quyết vấn đề mà Apple từng gặp phải khi họ làm chiếc MacBook Air và MacBook Pro unibody năm 2008. Làm sao bạn có thể cắt bỏ gần như mọi thứ trên một miếng kim loại nguyên khối mà không phá vỡ cấu trúc của nó? (Nói cách khác, làm cho nó dễ gãy, vỡ).
Thời đó, Jonathan Ive chia sẻ: "Phần chiếu nghỉ tay này là xương sống cho cả sản phẩm. Bình thường, khi bạn có phần chiếu để tay, bạn sẽ cắt một lỗ lớn và khiến miếng kim loại không còn vững chắc về cấu trúc nữa. Chúng tôi phát hiện ra rằng thay vì cắt lỗ lớn thì việc cắt nhiều lỗ nhỏ sẽ khiến kết cấu của miếng kim loại gần như không bị ảnh hưởng".
Hiểu cơ bản như này: thay vì bạn cắt miếng nhôm của MacBook và khoét 1 lỗ lớn để đặt 1 cái bàn phím lớn vào (giống các đời Mac cũ), giờ bạn khoét nhiều lỗ nhỏ và đặt từng phím vô. Phần còn lại của miếng kim loại vẫn đủ chắc chắn và phần chiếu nghỉ tay cũng rất cứng.
Cách xử lý các lỗ thông gió của Mac Pro cũng tương tự. Apple sử dụng một đầu mài hình cầu để cắt bỏ đi phần nhôm thừa ở một phía, và thực hiện tương tự từ phía còn lại. Kiểu cắt "3D" này cho phép không khí lưu chuyển dễ dàng hơn giữa các lỗ. Quy trình này bỏ hơn 50% vật liệu trong khi vẫn đảm bảo vỏ máy cứng cáp.
Và để chọn ra được độ sâu của vết cắt, phần chồng lên nhau giữa đầu tròn của công cụ, tỉ lệ đường kính của quả cầu với không gian xung quanh, tối ưu luồng không khí... hẳn là Apple phải thí nghiệm rất nhiều lần mới cho ra được cấu hình tiện cuối cùng.
Dây bọc vải
Thường thì cáp phụ kiện của đồ Apple sẽ được bọc bởi một loại nhựa giống như cao su. Với chiếc Mac Pro và Pro Display XDR, Apple sử dụng cáp bọc vải cho cả cáp nguồn lẫn cáp Thunderbolt 3. Có lẽ hãng làm vậy là để tăng độ bền. HomePod cũng là một sản phẩm được bọc vải đấy.
Bàn phím của Mac Pro cũng khác, nó không phải màu đen hay trắng thuần như hiện nay, mà nó là màu lai giữa trắng bạc với đen. Màu sắc này nhìn nổi bật và đẹp hơn.
Cuối cùng là bánh xe, Mac Pro mới có thể gắn bánh xe để di chuyển giữa các khu vực làm việc, phòng studio, trường quay...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét