Google có hệ điều hành cho tablet, họ cũng tự làm ra tablet nhưng Google và Android chưa bao giờ được đánh giá cao trên thị trường tablet. Trải qua bao nhiêu năm phát triển thì Android vẫn dường như chỉ thích hợp cho smartphone chứ không phải một thiết bị màn hình lớn và làm được nhiều việc. Hay nói cách khác, Google vẫn chưa hiểu rõ về tablet như Apple. Ngay trước thời điểm Apple chuẩn bị ra mắt iPad năm 2010 thì một vài hãng khi đó cũng gấp rút để cho ra một sản phẩm cạnh tranh. Tại CES 2010, HP Slate màn hình 8"9 ra mắt với Windows 7 PC, một hệ điều hành vốn dành cho máy tính, và chip Intel Atom. Vài tuần sau, Apple ra mắt iPad với màn hình 9"7 và chip di động, phần mềm di động. Có lẽ Google cũng nhận thấy được phần nào vấn đề khi ở thời điểm đó, họ tung ra một phiên bản Android dành riêng cho tablet có tên mã Honeycomb. Quay lại thời điểm sơ khai của tablet, không ai hiểu rõ về tablet cả, mọi thứ chỉ dừng lại ở suy đoán. Apple ban đầu định vị iPad như một cuốn tạp chí điện tử giống Kindle nhưng tương tác cao hơn với các ứng dụng, một trong những điểm thu hút người dùng của iPad tới từ định nghĩa tạp chí điện tử và sách tranh ảnh được tạo ra cho nền tảng đó. Sau đó, Apple nhận thấy người ta dùng iPad cho nhiều mục đích khác nữa. Apple ban đầu nói không với bàn phím và bút stylus cho tablet (giống như smartphone) nhưng sau cùng họ chấp nhận làm các phụ kiện đó. Sự phát triển của iPad được gói gọn trong 3 từ: học hỏi, thích nghi và tiến hóa. Google khi đó họ làm gì? Họ thành công với chiến lược Android cho smartphone nhưng việc mang Android lên tablet là một thảm họa, một sai sót kinh niên cho Google. Motorola Xoom, ASUS Eee Pad Transformer, Toshiba Excite và hàng loạt tablet khác của Acer, Dell, Lenovo nhưng đều chỉ là những nỗi thất vọng. Android cho tablet có lẽ chỉ thích hợp ở một khía cạnh nào đó cho các thiết bị màn hình dưới 7" (Nexus 7, Galaxy Tab) hay những tablet dành cho các tác vụ cụ thể (Amazon Fire HD, NVIDIA Shield Tablet), cả hai đều nghiêng về nội dung nhiều hơn là hệ điều hành (OS). Android được làm ra cho smartphone. Yêu cầu cấu hình hệ thống được quyết định dựa trên khả năng của phần cứng smartphone, kho thư viện ứng dụng được làm ra cho màn hình smartphone và các nhân bên trong cũng được xây dựng cho việc dùng máy ở tư thế đứng (portrait). Android không thể mở rộng. Đưa Android lên một thiết bị màn hình 10" được ví như đưa một người cao 2 mét vào cửa hàng quần áo thông thường để chọn đồ vậy. Anh chàng 2 mét đó có thể kiếm được vài món đồ vừa với anh ta như thắt lưng, khăn, mũ... nhưng hầu hết đều không vừa với cơ thể anh ta. Google nhận ra vấn đề, nhưng thay vì chỉnh sửa Android cho phù hợp thì họ lại đi theo một hướng khác với Chrome OS. Android là OS cho smartphone còn Chrome OS thì cho máy tính. Và khi mà Google kết hợp Chrome OS với ứng dụng của Android (trên Pixel Slate) thì đó là một mớ hỗn độn. Người ta có thể nói, nhìn kìa nó là một laptop, vậy hãy đưa phần mềm của máy tính lên đó đi. Người khác khi thấy màn hình cảm ứng thì lại nói rằng, nó chỉ là một chiếc điện thoại phóng to màn hình. Tablet, dù ở giữa smartphone và laptop nhưng nó cũng cần được hiểu với một định nghĩa độc lập. Để có được trải nghiệm tablet hoàn hảo, bạn cần một OS làm riêng cho những tác vụ đó: giao diện trực quan cho cảm ứng là chưa đủ, mà phải tối ưu cho màn hình to, không gian rộng. Nhìn sang Apple, họ làm riêng một con chip có tên X dành cho iPad (phát triển từ chip dòng A trên iPhone), tại vì tablet vốn hoạt động hiệu năng lớn hơn, hao pin và nóng hơn nên cần một con chip riêng biệt. Họ cũng tinh chỉnh lại iOS khá nhiều dành cho các tính năng cụ thể trên iPad. Nếu Google tiếp tục cố gắng mang phần mềm của một nền tảng khác lên cho tablet thì họ sẽ tiếp tục gặp rắc rối. Nói cách khác, nếu muốn thành công với một sản phẩm mới, bạn cần làm ra phiên bản phần mềm dành riêng cho nó, chứ không phải mang từ một sản phẩm khác sang. Hay như Microsoft cũng gặp vấn đề tương tự, họ cố đem Windows xuống các máy di động, ví dụ Surface Pro. Nó là một chiếc máy tốt, di động và làm được việc nhưng nó vẫn được coi là laptop nhiều hơn là tablet. Phần mềm đang đóng vai trò ngày một quan trọng, chính Google nhận thức được bởi họ làm camera trên Pixel cực ấn tượng chỉ bằng các thuật toán phần mềm chứ không cần phần cứng mạnh mẽ hay hai camera... Làm phần mềm cực khó, đó là lý do vì sao chỉ có vài hãng làm ra phần mềm còn phần cứng thì vô biên. Nhiều người có thể làm ra một tablet hoàn hảo nhưng để tạo ra một trải nghiệm tốt cho tablet thì là một câu chuyện khác. Tham khảo: The Verge
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét