Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

[BẠN CÓ BIẾT] DÉJÀ VU LÀ GÌ?

Déjà vu là cảm giác bạn thấy một tình huống dường như đã trải qua rồi, nhưng thực chất, nó chưa từng diễn ra bao giờ. Bạn vào nhà sách, cầm một quyển truyện mới phát hành và đột nhiên bạn lại cảm thấy mình đã đọc quyển truyện này rồi. Đơn nhiên, điều đó là không thể trừ khi bạn đã lên cỗ máy thời gian để đi tới tương lai trong một giấc mơ nào đó.

Vậy điều gì đã xảy ra khiến bạn có những cảm giác kì lạ đó? Tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa có một lời giải thích chắc chắn nào cho déjà vu cả. Trải nghiệm này xảy ra rất nhanh và không hề có dấu hiệu báo trước, chính vì lẽ đó, rất khó để các nhà khoa học có thể kịp theo dõi và nghiên cứu xem thật sự những gì đã xảy ra bên trong não bộ.

Déjà vu xảy ra mà không hề cho biểu hiện vật lý nào và trong các nghiên cứu, nó được diễn tả như một cảm giác hay cảm nhận. Do không có nhiều bằng chứng nên đã có không ít các suy đoán nhằm giải thích cho hiện tượng này được nêu lên trong nhiều năm qua.

Kể từ khi được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1876 bởi nhà triết học Emile Boirac, đến nay đã có hơn 40 học thuyết khác nhau ra đời nhằm giải thích cho khái niệm Déjà vu (trong tiếng Pháp nghĩa là "đã nhìn thấy”). Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong công nghệ chẩn đoán hình ảnh thần kinh và sự hiểu biết ngày càng gia tăng của con người về tâm lý học đã thắp lên hy vọng về sự ra đời của một lý thuyết chính xác nhằm giải thích cho hiện tượng này. Tại thời điểm hiện tại, có 3 lý thuyết phổ biến nhất để lý giải Déjà vu và chúng ta hãy thử tìm hiểu về chúng xem.


Lý thuyết 1: Quy trình xử lý kép.

Bây giờ, hãy hình dung về cảnh bạn đang đi vào một nhà hàng và ngồi chờ anh phục vụ mang món ăn ra cho mình. Nhưng không may, anh chàng này bị trượt chân, các dĩa thức ăn từ khay rơi xuống đất.

Khi cảnh tượng này xảy ra, bán cầu não của bạn đang xử lý một loạt các thông tin: cánh tay đang vẫy của anh phục vụ, vẻ mặt đáng thương đang cầu cứu sự giúp đỡ và mùi bít tết thì sộc thẳng vào mũi. Chỉ trong vài mili giây, hàng loạt thông tin này được tiếp nhận và tạo thành một khoảnh khắc.

Đa phần, mọi thứ trình bày nãy giờ được ghi lại một cách đồng bộ. Tuy nhiên, lý thuyết quy trình xử lý kép khẳng định déjà vu xảy ra khi có sự chậm trễ của một thông tin trong chuỗi các thông tin kia, khiến cho não bộ phân tích thông tin đó thành một sự kiện riêng biệt. Và khi thông tin đến sau này tiếp tục được xử lý, nó sẽ mô tả lại những gì đã được ghi nhận trước đó và tạo cho chúng ta cảm giác như việc này đã xảy ra rồi.

Một giả thuyết khác giải thích cho Déjà vu cho rằng nó có liên quan đến những nhầm lẫn trong quá khứ chứ không phải ở hiện tại. Nó được gọi là Thuyết ảnh 3 chiều và chúng ta hãy thử tìm hiểu về lý thuyết này qua ví dụ về chiếc khăn trải bàn.

Khi bạn nhìn lần lượt vào từng ô vuông của chiếc khăn, một ký ức nằm sâu bên trong não bộ sẽ được đánh thức. Theo lý thuyết này, sở dĩ quá trình đó có thể xảy ra là nhờ ký ức đã được lưu trữ ở dạng ảnh 3 chiều, và trong không gian đó, bạn chỉ cần nhìn được 1 phần cũng có thể hiểu được cả bức tranh.

Não bộ có thể xác định được chiếc khăn trải bàn này có gì đó giống với cái mà bạn từng gặp trong quá khứ, có thể là ở nhà bà ngoại của bạn. Tuy nhiên, thay vì giúp cho bạn nhớ ra là bạn đã nhìn thấy cái khăn trải bàn đó ở nhà ngoại, não bộ lúc bấy giờ lại triệu hồi phần ký ức ấy lên nhưng không nhận dạng đúng thông tin đó.

Điều này khiến bạn có cảm giác quen thuộc với thứ đó, nhưng lại chẳng có tí hồi ức nào. Bạn có thể chưa từng đi đến nhà hàng này, nhưng bạn đã nhìn thấy chiếc khăn trải bàn đó trước kia, và thất bại trong việc xác định xem đã nhìn thấy nó ở đâu. Thế là Déjà vu xảy ra.

Đang tải deja_vu_tinhte.jpg…

Lý thuyết cuối cùng để giải thích cho Déjà vu cho rằng nó liên quan đến việc khả năng chú ý bị phân chia, đồng thời giả định hiện tượng này xảy ra khi não của chúng ta tiếp nhận thông tin từ môi trường trong tiềm thức nhưng lại bị phân tâm bởi một đối tượng cụ thể. Khi sự chú ý quay về, chúng ta sẽ cảm thấy có vẻ như mình đã đến đây trước đó rồi.

Ví dụ về tình huống bên trong nhà hàng lúc nãy, khi anh bồi bàn làm rơi đĩa thức ăn, chiếc nĩa từ đó văng ra ngoài, bạn chỉ tập trung vào chi tiết đó mà quên lãng đi những thứ xung quanh. Mặc dù não của bạn khi đó thật ra vẫn đang ghi nhận mọi thứ, nhưng thông tin được tiếp nhận không phải ở trạng thái nhận thức tốt nhất. Khi sự chú ý của bạn không còn nằm ở riêng chiếc nĩa kia nữa, bạn sẽ cảm thấy bạn đã đến đây trước đó và tình huống này cũng đã xảy ra rồi, bởi thật ra bạn đã có mặt ở đó nhưng chỉ là bạn không chú ý đến hoàn cảnh tổng thể lúc đó thôi.

Mặc dù cả 3 lý thuyết mà mình đề cập nãy giờ là những giả thuyết phổ biến nhất để giải thích cho Déjà vu nhưng thật sự không có một lời đáp nào thật sự thuyết phục. Vì Déjà vu xảy ra hoàn toàn bất ngờ và không có dấu hiệu gì báo trước nên nó không phải là chủ đề dễ dàng để các nhà khoa học có thể nghiên cứu.

Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy thử cố lý giải xem vì sao chúng ta lại có cảm giác đó. Nếu Déjà vu xảy ra với bạn trong thời gian gần nhất ở tương lai, hãy thử suy nghĩ xem lúc đó bạn cảm thấy thế nào, bạn đã nhìn thấy vật mà bạn đã gặp trong quá khứ chưa hay cơ thể có điều gì bất thường không. Những báo cáo của bạn chắc chắn sẽ là nguồn thông tin quý giá để giúp các nhà khoa học đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho hiện tưởng kỳ lạ này.

Nguồn: TED-Ed
 

https://tinhte.vn/threads/ban-co-biet-deja-vu-la-gi.2797674/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét