Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

8 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CPU INTEL KABY LAKE

Tân Linh
Bộ xử lý Intel Core thế hệ 7, tên mã Kaby Lake, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm phong phú hơn, hiệu năng cao hơn và giải trí với nội dung 4K đầy ấn tượng.
Intel đầu tháng 1 năm 2017 đã trình làng Kaby Lake (đọc là Kay-bee-lake) cho máy tính để bàn và máy tính xách tay cấu hình cao (Kaby Lake cho laptop mỏng nhẹ và máy tính bảng đã được công bố cuối Hè 2016). Đây là thế hệ bộ xử lý mới nhất của Intel, và là sự tiếp nối cho tiền nhiệm thế hệ thứ sáu – CPU Intel Skylake. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thông tin đáng chú ý trước khi đầu tư cho bản thân một chiếc máy tính để bàn mạnh mẽ.

Bộ xử lý Core thế hệ mới nhất - Kaby Lake, sẽ có tiền tố bắt đầu bằng số 7.
8. Kaby Lake lẽ ra không tồn tại
Intel từ 2007 cho đến nay luôn bám theo mô hình Tick-Tock để ra mắt sản phẩm của mình. Mỗi “tick” đại diện cho chu trình sản xuất chip mới có kích cỡ nhỏ hơn, gia tăng số lượng bóng bán dẫn, hiệu năng mạnh hơn và tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn; mỗi “tock” sẽ là ra mắt kiến trúc mới trong khi vẫn giữ lại chu trình bán dẫn cũ. Mô hình “Tick-Tock” ban đầu được dự đoán là sẽ lặp lại sau mỗi hai năm. Nhưng với năm 2017, đây là năm đầu tiên Intel phá vỡ mô hình “Tick-Tock” của mình bằng việc đẩy lùi thế hệ bộ xử lý CannonLake sản xuất theo tiến trình 10nm sang năm sau, và thay vào đó là trình làng Kaby Lake – thế hệ bộ xử lý 14nm+ được tối ưu hóa từ kiến trúc Skylake. Sự kiện này sẽ mở đầu cho tiến trình “Process-Architecture-Optimization” thay cho “Tick-Tock”, nghĩa là thay vì hai thế hệ như trước (Ivy Bridge – Haswell, 22nm) chúng ta sẽ có ba thế hệ chip (Broadwell – Skylake – Kaby Lake, 14nm) cùng một tiến trình sản xuất bộ xử lý. 
Về sự xuất hiện của Kaby Lake, Intel đã giải thích rằng hãng đang cần nhiều thời gian hơn để tiếp tục phát triển và tối ưu sản phẩm. Kích cỡ của các bán dẫn trên chip đã đạt tới mức gần chạm tới giới hạn vật lý, cho nên càng ngày càng khó hơn để chế tạo bộ xử lý hoạt động ổn định dưới 10nm. Điều này khiến cho việc ra mắt CannonLake theo tiến trình 10nm liên tục bị đẩy lùi, và giải pháp được đưa ra để bù lại cho sự chậm trễ cũng như đảm bảo doanh thu đó là tối ưu hóa lại tiến trình 14nm của bộ xử lý Skylake, cho ra đời thế hệ bộ xử lý cải tiến 14nm+ Kaby Lake.

7. Kaby Lake sử dụng chung socket 1151
Những mainboard Skylake đã được bán ra thị trường đều hỗ trợ các bộ xử lý Core i thế hệ thứ 7 của Intel thông qua bản BIOS Update từ các nhà sản xuất. (Ngoại trừ một số mã Skylake sử dụng Ram DDR3 hiện chưa có BIOS).
Quá trình cập nhật BIOS yêu cầu người sử dụng phải lắp bộ xử lý Skylake để Flash lại bảng mạch trước khi cắm bộ xử lý Kaby Lake – một số trường hợp ngoại lệ như Asus – với EZflash, hãng cho phép người dùng có thể Flash BIOS lại bảng mạch thông qua USB và nguồn điện cắm chờ mà không cần RAM lẫn CPU cắm trên mainboard. 
Để tận dụng được tối đa sức mạnh từ bộ xử lý Kaby Lake, người dùng nên chọn cho mình bo mạch chủ Kaby Lake, với những cải tiến từ các bo mạch chủ tiền nhiệm như:
- Công nghệ Intel Optane-Ready
- Công nghệ Intel Rapid Storage Technology 15
- Số làn SATA, USB, LAN, M.2 nhiều hơn (30 so với 26) 
- Số làn PCI Express tối đa nhiều hơn (24 so với 20) 
Ngoài ra, các hãng sản xuất bo mạch chủ như ASUSMSIGIGABYTEASROCK… cũng bổ sung cho sản phẩm của họ một số tính năng vô cùng hấp dẫn như hệ thống đèn LED RGB 16 triệu màu, các khe PCIE được bọc kim loại, hỗ trợ từ 1 đến 3 khe SSD M.2, công nghệ bảo vệ bảng mạch mới, card âm thanh mới đem lại trải nghiệm chơi game tốt hơn, tối ưu hóa khả năng ép xung của CPU, RAM cho các dòng bo mạch chủ Z270, tản nhiệt tốt hơn cho SSD M.2, các khe socket được bọc kim loại…

Các hãng sản xuất bo mạch chủ đã trình làng thế hệ sản phẩm mới nhất, hỗ trợ CPU Kaby Lake.
6. Không có chipset H210; chỉ Z270 mới hỗ trợ ép xung
Chúng ta đã từng được nghe một số dòng sản phẩm của ASROCK và MSI, với chipset B150 và H170 có thể ép xung được các bộ xử lý Intel dòng K (không khóa hệ số nhân) lẫn Non-K qua một con chip OC đặc biệt. Nhưng với dòng sản phẩm Kaby Lake, có vẻ như Intel đã mạnh tay hơn trong việc định hướng sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng, chỉ cho phép những bo mạch chủ dòng Z270 mới có khả năng ép xung, và là dòng sản phẩm có đầy đủ tính năng cao cấp nhất, các dòng chipset cận cao cấp và tầm trung sẽ là H270 và B250 series. H110 vẫn tiếp tục được duy trì cho dòng sản phẩm tầm thấp hỗ trợ bộ xử lý Kaby Lake cho nên việc ra mắt H210 dường như là không cần thiết.
Với sự tồn tại song song và phân cấp của hai kiến trúc Skylake & Kaby Lake, người tiêu dùng có được sự lựa chọn vô cùng phong phú và đa dạng, cũng như dễ dàng tìm được sản phẩm hợp với túi tiền của bản thân. Với những người đang sử dụng bộ xử lý Ivy Bridge, Haswell hoặc thế hệ cũ hơn, việc lựa chọn Kaby Lake để nâng cấp sẽ là một sự trải nghiệm hoàn toàn mới về công nghệ, nhưng nếu túi tiền không mấy gọi là dư giả, Skylake với giá bán ngày càng giảm nhanh sẽ là một sự đầu tư hợp lý mà không làm thủng ví của bạn trong năm 2017 này.
5. Intel HD Graphics, tạm biệt VGA giá rẻ
Những bộ xử lý đồ họa tích hợp Intel HD Graphics trên những con chip Kaby Lake có thể Stream hình ảnh và Video Clip với 8 luồng 4K cùng một lúc, hỗ trợ xuất ra màn hình 10-bits màu, đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những người muốn lắp cho mình một bộ máy HTPC nhỏ gọn đặt trong phòng khách.
Dù là bộ xử lý đồ họa tích hợp, khả năng chơi game của Intel HD 630 trên Kaby Lake rất được chú trọng đầu tư, có thể chạy tốt các tựa game như LMHT, Dota 2, Counter Strike: Global Offensive ở thiết lập từ Medium đến High Setting. Với tựa game như LMHT, Intel HD 630 có thể chạy được game ở thiết lập màn hình FullHD, High Setting, với số khung hình trên giây giao động từ 80 đến hơn 100 FPS.

Hiệu năng của Intel HD 630 có thể gần như ngang ngửa với cạc đồ họa Nvidia của các dòng laptop tầm trung hiện nay.
4. Intel core i3 không còn rẻ, mạnh mẽ hơn
Thật khó để có thể mua được Core i3 Kaby Lake chỉ với 3 triệu đồng, nhưng khi đầu tư một số tiền khoảng 3,6 triệu đồng bạn sẽ có trong tay một bộ xử lý hai nhân bốn luồng, chạy ở mức xung nhịp 4GHz mặc định, có 4MB cache thay vì 3MB như trước và một chip đồ họa tích hợp HD 630 mạnh mẽ hơn. 
Nếu thế vẫn là chưa đủ, bạn có thể sắm cho mình một bộ xử lý không khóa hệ số nhân i3-7350K, với mức xung mặc định 4,2GHz, hiệu năng chưa ép xung của i3-7350K có thể gần như so bì được với i5-6400 Skylake tiền nhiệm. Với bài đánh giá hiệu năng của Geekbench, cho thấy điểm số đa nhân của i3-7350K và i5-6400 gần như là xấp xỉ nhau. Với một bộ tản nhiệt tốt và một bo mạch chủ ép xung dòng Z, khả năng có một kết quả khả quan hơn sau khi Overclock là hoàn toàn có thể.

3. Pentium + siêu phân luồng
Với bộ xử lý Pentium 2017, chúng ta sẽ có 2 nhân thực và 4 luồng xử lý Hyper-threading như dòng Core i3 Skylake, chỉ bị cắt giảm bởi số Cache so với Core i3 Kaby Lake (3MB so với 4MB). Lịch sử lặp lại khi Intel tiến hành trang bị tính năng siêu phân luồng cho các dòng bộ xử lý Pentium Kaby Lake, trước chỉ thấy trang bị trên các dòng Pentium cũ như Pentium đời 478, 775 Netburst.
Công nghệ Hyper-threading cho phép cung cấp 2 luồng xử lý trên mỗi nhân, tăng gấp đôi số tác vụ mà bộ xử lý có thể thực thi đồng thời. Ta có thể thấy rõ hiệu quả của công nghệ này khi sử dụng những tác vụ liên quan đến giải mã Video, hoặc các phần mềm yêu cầu bộ xử lý đa nhân. Điều này hứa hẹn Pentium Kaby Lake thế hệ mới sẽ có sức mạnh ngang ngửa với các dòng Core i3 của Skylake, bổ sung cho người tiêu dùng thêm nhiều sự lựa chọn với giá cả hợp lý hơn.  
2. Không hỗ trợ Windows 7 & 8 
Tương tự với đàn anh Skylake, nền tảng Kaby Lake sẽ tiếp tục không hỗ trợ mọi phiên bản của hệ điều hành Windows 7 lẫn Windows 8. Người dùng sẽ cảm thấy cực kì khó khăn để có được Windows phiên bản cũ hơn Windows 10 chạy trên hệ thống Kaby Lake, cũng như sẽ gặp phải những rắc rối về Driver, không còn những bản vá lỗi, hiệu năng sẽ không được tối ưu hóa... nếu cố tình lách sự “áp đặt” của Microsoft. Cho nên với những ai còn đang phải sử dụng Windows 7 hoặc 8 vì những lý do cá nhân, nâng cấp là điều cần phải cân nhắc.
Microsoft cũng từng làm điều này khi hợp tác cùng một số nhà sản xuất phần cứng như Nvidia và AMD để ép người dùng sử dụng Windows 10 phiên bản mới nhất trên các thiết bị mới ra. Với Windows 10 phiên bản cũ hơn bản Build 10586, một số Driver của các hãng này sẽ không thể làm việc được. 
1. Hiệu năng so với Skylake
Nhìn trên tổng thể, chúng ta sẽ khó thấy được một sự đột phá rõ rệt giữa Skylake và Kaby Lake. Những tính năng như hỗ trợ USB 3.1, Intel Optane SSD, xử lý Video 4K tốt hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn… dường như chưa đủ với một số người để trở thành yếu tố giúp họ quyết định nâng cấp, tính năng quan trọng nhất của CPU mà ai cũng quan tâm vẫn chính là hiệu năng xử lý.
Mức xung mặc định của các bộ xử lý Kaby Lake so với Skylake cao hơn từ 0.3 GHz cho đến 0.5 GHz.
Hơn sáu năm trở lại đây, để đạt được mức xung trên 4.5 GHz với bộ xử lý Sandy Bridge, Ivy Bridge, Haswell và Skylake, đòi hỏi người ép xung phải có kiến thức am hiểu sâu về máy vi tính. Nhưng với Kaby Lake năm nay, bức tường 4.5 GHz dường như không còn là trở ngại, các hãng bo mạch chủ nổi tiếng đã trang bị tính năng Load Profile ép xung tự động chỉ bằng một phím bấm. Với Kaby Lake K Series và một bo mạch chủ Z270, bạn có thể tự tin ép xung bộ xử lý của mình lên xấp xỉ 5.0 GHz với tỉ lệ thành công đạt trên 80%. Nhưng nhược điểm của việc Load Profile ép xung tự động là mức Vcore còn khá cao, cần tinh chỉnh lại để có thể sử dụng được hàng ngày. Tuy vậy, người dùng vẫn có thể lựa chọn những chế độ khác an toàn hơn để giúp đảm bảo về mặt tuổi thọ mà vẫn có thêm được hiệu năng từ bộ xử lý của mình.
Tóm lại
Với hiệu năng cách biệt Skylake chỉ từ 10 đến 12%, có thể Kaby Lake chưa dành cho số đông người tiêu dùng vì giá sản phẩm trên hiệu năng còn cao, khác biệt còn chưa rõ rệt. Nhưng với một người đam mê công nghệ, một game thủ hardcore, một Overclocker muốn thử sức mình với những mức xung cao hơn: Kaby Lake đang trở thành đề tài rất hot trên các cộng đồng PC Gaming tại Việt Nam. CPU Kaby Lake cùng với thế hệ bo mạch chủ B250, H270 và Z270 mới đang trở thành một làn gió mới về hình thức thiết kế cũng như những tính năng độc đáo đi kèm. 

1 nhận xét: