Leica là một thương hiệu máy ảnh đã trở thành huyền thoại bởi khi nhắc đến nó thì chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những chiếc máy ảnh đắt đỏ, những ống kính đắt tiền đến mức mà rất nhiều người trong cả cuộc đời mình có mơ cũng chưa dám sở hữu nó. Thật vậy, bản thân mình là người viết bài này cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày mình có được cơ hội cầm và chụp thử chiếc Leica M10 mới vừa được ra mắt hồi đầu năm nay để chia sẻ với các bạn những trải nghiệm ban đầu với nó.
Với những ai chưa nghe đến thương hiệu Leica và tò mò muốn biết nó huyền thoại như thế nào thì có thể google để tìm thêm thông tin, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều có rất nhiều bài viết lý giải chi tiết. Riêng trong phạm vi bài viết này, mình sẽ cố gắng mang lại cho các bạn một cái nhìn dưới con mắt tò mò của một người lần đầu được đụng đến huyền thoại, được biết cảm giác nó sẽ thế nào, ảnh chụp ra làm sao. Mình sẽ không đưa ra bất cứ một đánh giá nào về chiếc máy này bởi vì quá trình trải nghiệm trong thời gian 1 tuần là vẫn chưa đủ để bạn có thể hiểu được chiếc máy như hơi thở của mình, chưa kể đây là chiếc máy đến từ một thương hiệu huyền thoại, mình chưa đủ cái gọi là lé vồ để có thể đánh giá được nó một cách chính xác.
Leica đặc biệt bởi nhà sản xuất không định vị sản phẩm của mình của mình đi theo số đông, bạn sẽ không thể đặt Leica lên bàn cân cùng bất cứ một chiếc máy nào khác để so sánh được ngoài giá tiền và chất lượng của nó. Leica tồn tại, đứng vững và tiếp tục khẳng định vị thế ở sân chơi duy nhất của riêng mình cho đến thời điểm hiện nay.
Cũng giống như các chiếc Leica dòng M khác đã ra mắt trước đó, Leica M10 thuộc dòng máy ảnh RangeFinder, dòng máy khẳng định sự bảo thủ của Leica đồng thời cũng làm nên tên tuổi của Leica.
Cảm giác cầm nắm và thao tác sử dụng
Chiếc Leica M10 mình mượn được gắn kèm với ống kính Summilux tiêu cự 50mm khẩu 1.4, cảm giác cầm vào thì nó là một cục sắt đúng nghĩa, rất nặng và cứng cáp, độ hoàn thiện tuyệt vời khi được sản xuất bởi kỹ thuật cơ khí tuyệt vời của người Đức, mặt trên chỉ có 2 bánh xe để chỉnh ISO ở cạnh trái và bánh xe chỉnh tốc ở gần cần gạt mở nguồn và nút chụp. Nguyên cả tuần sử dụng mình hầu như không thao tác gì đến 2 nút này ngoài việc có xoay thử xem nó kêu lách tách ra sao , mình cứ để nguyên ở Auto mà chiến.
Mặt sau của máy cũng không có quá nhiều nút thường thấy như trên các dòng máy ảnh khác, chỉ có 3 nút bên cạnh trái và các phím điều hướng bên cạnh phải. Leica đã tối giản tất cả các tùy chỉnh để chúng ta chỉ việc tập trung vào chuyện chụp ảnh mà không cần phải nghĩ thêm đến chuyện gì khác.
Mặt trước cũng không cần đến báng tay cầm (grip) nhô cao như các máy ảnh thay ống kính mà chúng ta thường thấy, nó hoàn toàn bằng phẳng và trơ trọi với phong cách thiết kế đặc trưng của rangefinder. Trước đây mình vẫn nghĩ ắt hẳn nó sẽ rất khó cầm và dễ mỏi khi chụp lâu, nhưng thực tế khi xách máy đi chụp thì không còn bị để ý đến chuyện đó nữa
Các máy ảnh dòng Leica M không có khả năng tự động lấy nét, chúng ta phải chỉnh tay hoàn toàn khi muốn lấy nét vào chủ thể cần chụp. Việc đầu tiên mình làm khi cầm Leica M10 lên là nhòm vào cái khung ngắm để xem Rangefinder nó lấy nét ra làm sao
đây là hình ảnh của khung ngắm khi chưa lấy đúng nét
Bạn hãy để ý khung hình nhỏ ngay chính giữa, đó chính là nơi để chúng ta biết rằng mình đang lấy nét khi chụp. Máy không có khung ngắm theo kiểu “viewfinder” mà thay vào đó là “frameline”. Người chụp nhìn thấy chủ thể trực tiếp qua khung ngắm hoàn toàn độc lập với ống kính. Với Rangefinder thì dù màn trập có đóng thì bạn vẫn nhìn thấy hình ảnh phía trước. Trên khung ngắm sẽ có 2 ảnh, một ảnh là ảnh thật và một ảnh là gọi là ảnh lấy nét. Nhiệm vụ của chúng ta là xoay vòng lấy nét trên ống kính sao cho ảnh thật và ảnh lấy nét trùng nhau.
Bạn có thấy con số 180 không? đó chính là máy đang hiện thị tốc độ sẽ chụp ở hoàn cảnh này là 1/180s, cũng ngay vị trí này, nếu bạn thay đổi bù trừ sáng EV thì máy cũng sẽ báo ngay ở đó.
Với kiểu khung ngắm độc lập không qua ống kính như thế này, bạn sẽ không thể hình dung được bức ảnh của mình sẽ có DOF/Bokeh ra làm sao trong lúc chụp, cũng không nhận ra được là máy đã đóng màn trập khi chụp vì không bị hiện tượng chớp đen (blackout) như các máy ảnh thông thường, frame ngắm thì luôn rộng mênh mông bát ngát với các chi tiết thừa thải mặt dù hình ảnh ghi nhận được chỉ ở trong frame mà máy đã vạch sẳn, nhiệm vụ của bạn là phải sắp xếp chủ thể của mình cho đúng bố cục tương đương với frame của ống kính gắn vào.
Ống kính gắn kèm trên máy là ống có tiêu cự 50mm, các bạn hãy để ý đến cái frame vuông sáng ở giữa, đó chính là frame ảnh sẽ ghi nhận được sau khi chúng ta chụp. Nhìn vào frameline các bạn thậm chí còn có thể thấy luôn được 1 phần ống kính gắn trên máy ở góc dưới bên phải khung ngắm, đó cũng là một phần lý do vì sao dòng Leica không có ống kính tele hay ống zoom mà chỉ phổ biến nhất với các tiêu cự 35mm và 50mm
đây là hình ảnh của khung ngắm khi đã lấy đúng nét
Chụp thử và trải nghiệm
Đây là tấm ảnh thứ 2 mà mình chụp được khi cầm máy, tấm thứ 1 do chưa quen nên bị out nét rồi không khoe lên đây. Tấm này mình chưa can thiệp vào bất cứ thiết lập nào trên máy, mình có thói quen khi nhận một chiếc máy ảnh hoàn toàn mới thì thường phải chụp coi hình thử xem như thế nào rồi mới mở máy lên điều chỉnh lại thông số cho phù hợp với thói quen sử dụng.
Xem lại mới biết người sử dụng trước đang thiết lập ở chế độ đo sáng điểm (spot), các mức Saturation, Contrast và Sharpness đều tăng thêm +1. Ống kính Leica vốn nổi tiếng có chất lượng quang học tuyệt vời với độ phân giải rất cao, khả năng tái tạo chi tiết và màu sắc cực tốt, dải màu rất sâu, vùng chuyển mượt mà. Với thiết lập như vậy, chúng ta sẽ rất khó để có thể nhận ra được sự đặc biệt trong chất ảnh Leica.
Kiểm tra lại cẩn thận tất cả các thiết lập trên máy, trả tất cả về mặc định, sau khi đã làm quen được với việc lấy nét và bố cục qua khung ngắm Rangefinder, mình đã có thể tự tin xách máy ra đường trải nghiệm.
Leica M10 là chiếc máy của thời đại năm 2017, các bạn sẽ cảm thấy rất khỏe và thoải mái khi chụp với chiếc máy này. Việc của bạn là quan sát và chụp ảnh cho đúng nét, mọi chuyện còn lại hãy để Leica M10 lo
Với hầu hết các máy ảnh của thời đại bây giờ thì mình cảm thấy an tâm với chất lượng file jpeg xuất thẳng ra từ máy, mình không chụp kiếm tiền và cũng không can thiệp hậu kỳ nhiều nên cũng chẳng mấy khi đụng đến file RAW và mất công nặng máy trong quá trình lưu trữ.
Leica Summilux 50mm 1.4 là một chiếc lens rất tốt, mình hoàn toàn có thể tự tin mở hết khẩu ra chụp để cảm nhận được độ chuyển, độ nét và bokeh của chiếc ống kính này
Nếu các bạn để ý thì sẽ thấy là Leica M10 không có nút "Delete" ở trên thân máy, mình rất ức chế với chuyện này, điểm đặc biệt khó khăn nhất của chiếc máy ảnh Rangefinder đối với người mới bắt đầu đó chính là lấy nét, chuyện chụp sai nét là khá thỉnh thoảng mà mình thì lại không thể nào xóa được luôn những bức ảnh đó ở trên máy, rất phiền khi muốn xem lại những ảnh đã chụp.
Trong cái khó đôi khi lại khó cái khôn, nó sẽ khiến mình suy nghĩ tích cực hơn khi đoán rằng chắc Leica muốn người sử dụng máy cố gắng trân trọng và chú ý hơn trước khi bấm mỗi shot hình để hạn chế tối đa những sai sót có thể. Chỉ khi như vậy thì quá trình trải nghiệm chụp với chiếc máy ảnh Rangefinder mới thực sự đúng ý nghĩa.
Nhưng hóa ra mình đã tưởng bở, phải đến ngày thứ 4 cầm máy mình mới vô tình phát hiện ra cách để xóa được ảnh, thì ra là Leica đã để thao tác xóa ảnh nằm ngay bên trong trình xem ảnh, khi bấm nút menu sẽ thấy lựa chọn để xóa.
lỗi của một con gà không chịu đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng
Trải nghiệm chụp ảnh với máy ảnh Rangefinder Leica M10 là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Trong khi SLR cho ta sự yên tâm vì tấm ảnh là sự toàn vẹn của những gì ta nhìn thấy trong khung ngắm thì RF lại không thế, những gì thực sự được ghi nhận vào film lại chỉ là một phần diện tích của khung ngắm mà thôi. Điều này đôi lúc gây sự hoang mang và mất tập trung cho những lần đầu sử dụng máy, nhưng khi đã quen thì nó cho ta một tầm quan sát rộng hơn, biết trước được đối tượng nào đang di chuyển vào trong khung hình hoặc những sự việc xảy ra từ bên ngoài nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng bên trong khung ngắm.
Theo tài liệu của Leica thì cách tốt nhất để ngắm với RF là mở cả hai mắt, tập luyện được kĩ năng này sẽ cho ta duy trì được tầm nhìn mà không bị cản trở bởi thiết bị, ảnh ghi nhận chỉ là một phần rất nhỏ so với toàn bộ những gì ta nhìn thấy. Hay nói một cách khác bức ảnh cuối cùng chính là một crop từ một tấm ảnh lớn, do đó nó chỉnh chu và xúc tích hơn.
Chất lượng ảnh
Không phải tự dưng mà máy ảnh Leica và ống kính của nó có giá khiến cho người dùng phổ thông rất khó để có thể với tới. Leica không theo chân các nhà sản xuất phổ thông khác trong việc tự động hóa để giảm thiểu thời gian và chi phí sản xuất. Leica nuôi niềm tự hào huyền thoại của mình bằng sự kiên định trong hàng trăm năm qua. Leica chứa đựng tất cả sự tinh tế, chính xác và tính bảo thủ của người Đức.
Huyền thoại Steve Jobs cũng từng bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhà thiết kế Đức trong các mẫu máy của Apple, từ Mac đến iPhone sau này. Khi cho ra mắt dòng iPhone đầu tiên, Steve Jobs từng mô tả sản phẩm của mình một cách đầy ẩn ý: "Đây là sản phẩm đẹp nhất của chúng tôi từng có. Nó đẹp như một chiếc máy ảnh Leica cổ".
Chất lượng ảnh hay nói xa hơn là chất ảnh Leica cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên sự huyền thoại của Leica. Như đã nói ở ban đầu, với thời gian trải nghiệm hạn hẹp, mình hoàn toàn chưa đủ điều kiện để có thể phân tích ra cho các bạn thấy được chất ảnh Leica nó thực sự khác biệt thế nào, hay so sánh với các thế hệ máy ảnh khác ra làm sao.
Sắc độ da (Skintone)
Với những tình huống như khi chụp bức ảnh cô gái trên này, mình có bỏ ảnh vào máy tính, thử kéo tới kéo lui, thế nhưng cuối cùng đành trả ảnh về mặc định như ban đầu vì cái cảm giác nhìn bức ảnh gốc nó vẫn mang lại nhiều cảm xúc nhất, nó làm mình nhớ lại khoảnh khắc khi mình chụp thì cô ấy cười thế nào, ánh sáng bên ngoài hắt vào ra sao và ngạc nhiên hơn là lúc đó mình không biết trước được vùng DOF phía sau cô ấy nó chuyển mượt mà như thế nào.
Thói quen khi khai thác thiết bị của mình là luôn tìm cách đưa thiết bị vào những tình huống khó khăn nhất để xem thiết bị tự động thể hiện thế nào, sản phẩm mang lại ra sao. Việc chụp ở khẩu lớn nhất và test trực tiếp trên skintone (màu da người) là để cho chúng ta thấy được máy xử lý chi tiết và màu da trong thực tế như thế nào
Mình rất thích cách mà Leica thể hiện đôi mắt khi chụp chân dung, mặc dù ảnh có thể không đúng nét hoàn toàn nhưng đôi mắt trông vẫn rất sinh động và lung linh
Chi tiết (Detail)
Chất lượng Jpeg đã tốt thế nhưng Raw sẽ còn tốt hơn. Dĩ nhiên là vậy rồi! Ảnh trước là ảnh Jpeg mặc định xuất ra từ máy, ảnh sau là ảnh Raw DNG sau khi mình đã xử lý cân bằng lại sáng tối trong Camera raw
Crop lại 100% tại điểm lấy nét, mình cực kỳ ấn tượng với khả năng thể hiện chi tiết khi xem ảnh crop này, chụp tại khẩu lớn nhất 1.4 mà chi tiết tái tạo quá tốt!
Ảnh trắng đen (Monochrome)
Mình để ý là ảnh của Leica ở điều kiện môi trường ánh sáng ban ngày có khuynh hướng đẩy độ K cao hơn bình thường khiến cho ảnh nhìn vào có cảm giác hơi ấm và cổ điển, có lẽ tone màu này khi chụp cho các bạn da trắng ở phương trời xa khi hậu lạnh thì sẽ hợp và đẹp hơn. Một điểm nữa là với tone màu này khi chụp trắng đen thì skintone lên cũng đẹp hơn chứ không bị chì chì một một màu xám
Đây là ảnh monochrome xuất trực tiếp file Jpeg từ máy:
Màu sắc (color)
Leica có những huyền thoại về màu sắc, nào là màu rất ấn tượng trong ánh sáng âm, nào là tất cả màu sặc sỡ đều trông rất ngọt ngào, ấm áp. Mời các bạn xem ảnh và tự đánh giá
Bokeh
Người ta thường lấy bokeh của ống kính Leica để làm thước đo đánh giá một ống kính nào đó là có bokeh đẹp hay không. Mình sẽ chỉ để hình và không nói gì
Đúc kết sau quá trình trải nghiệm
Leica M10 vẫn tiếp tục là một chiếc máy ảnh kỳ lạ trong thời đại ngày nay. Máy không có khả năng lấy nét tự động, tất cả các ống kính gắn lên chiếc máy này đều phải dùng tay để chỉnh lấy nét. Nó thật mâu thuẫn khi so với chiếc Sony A9 vừa ra mắt với vô vàn những công nghê tiên tiến, với khả năng chụp và lấy nét liên tục với tốc độ đến 20 hình/giây. Vậy mà giá của Leica M10 thậm chí lại còn cao hơn chiếc máy mạnh mẽ kia rất nhiều.
Nếu được hỏi "bạn có muốn sở hữu chiếc máy này" không thì có lẽ không chỉ riêng mình mà có rất nhiều người biết đến thương hiệu Leica đều sẽ trả lời là "chắc chắn sẽ muốn sở hữu nếu có đủ điều kiện"
Với Leica, đó không chỉ là một chiếc máy ảnh như thông thường nữa mà đó còn là một giá trị tinh thần để chúng ta khao khát, nó không chỉ là một chiếc máy để chụp ảnh mà còn là thiết bị mang đến và rèn luyện cho chúng ta cái gọi là trải nghiệm nhiếp ảnh, hình thành tư duy nhiếp ảnh
Mọi thứ đều thủ công và tại sao lại phải khổ như thế?
Kết quả của sự khổ luyện KHÔNG PHẢI đem đến cho chúng ta sự KHÁC NGƯỜI mà giá trị đích thực của nó đem lại đó là: Kĩ năng QUAN SÁT.
Nếu như sự trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta về cuộc sống được thể hiện thông qua toàn bộ các tác phẩm mà chúng ta đã chụp thì sự QUAN SÁT lại ảnh hưởng trực tiếp đến từng tấm ảnh đó. Kĩ năng QUAN SÁT là yếu tốt số một quyết định sự thành công của nhiếp ảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét