Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

TẠI SAO TIẾN TRÌNH SYSTEM CHIẾM NHIỀU RAM TRÊN WINDOWS 10?

Nếu các bạn mới vừa nâng cấp lên Windows 10, bạn sẽ thấy một điều lạ đến khó chịu: System task trong Task Manager nhiều lúc dùng quá nhiều RAM, có khi lên đến 1GB. So với các Windows cũ thì nó chỉ dùng tầm 50MB RAM đổi lại.

Trước khi mình giải thích tại sao lại có chuyện lạ thế này, ta sẽ nói về cách các Windows cũ quản lý bộ nhớ (kể cả RAM, cache và pagefile.sys). Dung lượng Ram là có giới hạn, nếu nó hết, Windows sẽ đẩy những thứ ít dùng nhất về pagefile.sys trong ổ cứng của bạn. (Nếu bạn nào không phân biệt được RAM và ổ cứng thì tra google nhé :D nhiều người hỏi mình tại sao máy họ ổ cứng 4GB lại chạy chậm rồi :D)

Điểm yếu của phương pháp này xuất hiện khi ứng dụng nặng đang chiếm RAM tiếp tục bành trướng, ép Windows phải đẩy dữ liệu trong RAM xuống HDD liên tục. Vấn đề ở đây: RAM có tốc độ "ánh sáng" (6400MB/s), HDD của phần lớn laptop Việt Nam dùng đĩa cơ tốc độ siêu chậm 5400rpm (đọc 60MB/s, ghi ngẫu nhiên < 10MB/s), chênh lệch tốc độ quá lớn dẫn đến hiện tượng thắt cổ chai, hay còn gọi là 100% disk.

Windows 10 quản lý bộ nhớ như thế nào?


[​IMG]
Windows 10 vẫn sử dụng pagefile.sys. Tuy nhiên, khi RAM sắp đầy, thay vì xẻ bớt ra đĩa cứng, Windows 10 sẽ "nén trực tiếp" những thứ ít dùng ngay trên RAM để giải phóng bộ nhớ, tương tự như dùng WinRAR nhưng nhanh đến mức bạn không nhận ra. Ví dụ, nếu một ứng dụng để quá lâu trên RAM mà không dùng tới, thay vì đẩy nó xuống pagefile.sys, Windows 10 đơn giản sẽ nén nhỏ nó lại nhưng vẫn để trên RAM.

Có qua phải có lại, việc nén RAM tuy nhanh nhưng tốn chút CPU. Tuy nhiên, sự hy sinh này xứng đáng hơn việc ngồi chờ ứng dụng đó bị treo, 100% disk và tốn CPU để Windows cố "cứu" một ứng dụng bị treo. Nén RAM cũng rất có lợi cho SSD vì giảm được số lần đọc ghi không cần thiết mà vẫn đảm bảo hiệu năng. Vì thế, nén RAM nhanh hơn việc nạp lại ứng dụng từ pagefile trong HDD.

Tất cả bộ nhớ bị nén sẽ được đẩy vào tiến trình System. Đây là nguyên nhân nó dùng rất nhiều RAM. Nếu bạn dùng máy càng lâu, mở càng nhiều ứng dụng, thì càng nhiều dữ liệu trên RAM để nén lại.

Đọc đến đây chắc có bạn thắc mắc, "Memory compression" mới được giới thiệu ở build 10525 Preview, tại sao lại nhắc đến ở đây. Thực tế, tính năng này đã được đưa vào build 10240 RTM, nhưng ở cấp độ thấp hơn.

Bạn có thể làm gì được?
Thực tế, bạn không phải làm gì cả. Thế nhưng, đa số chúng ta đều có quan niệm: RAM trống càng nhiều máy chạy càng nhanh. Quan niệm này là sai lầm với các PC hiện đại. Dung lượng RAM để trống là dung lượng RAM bị lãng phí. Đóng nhiều ứng dụng để "giải phóng bộ nhớ" chỉ khiến chúng mất nhiều thời gian hơn để khởi động khi ta cần. Vì cơ chế nén bộ nhớ đã đề cập ở trên đủ thông minh để quản lý bộ nhớ, bạn không cần phải lo lắng khi ứng dụng chiếm nhiều RAM, trừ khi ứng dụng đó ăn nhiều CPU hoặc bạn chỉ có 1GB RAM.

Như đã đề cập, nén bộ nhớ phải sử dụng thêm CPU, nên khi chuyển sang một ứng dụng mà bạn ít dùng, CPU phải hoạt động nhiều hơn một chút. Nhưng sự hao hụt hiệu suất là không đáng kể, trừ khi bạn đang dùng Pentium Dual Core. Nếu bạn không muốn chuyện này xảy ra, dưới đây là một số giải pháp:

  • Lắp thêm RAM: Không gì tốt hơn lắp thêm RAM cho PC. Máy càng nhiều RAM trống thì Windows 10 ít phải nén bộ nhớ bấy nhiêu. Dung lượng RAM phù hợp với từng đối tượng người dùng (theo kinh nghiệm cá nhân của mình)
    - 2GB: Lướt web, công việc văn phòng đơn giản.
    - 4GB: Lướt web nhiều, làm việc văn phòng cường độ cao, chơi game online.
    - Trên 8GB: Lập trình viên, xử lý đồ họa, phim ảnh, sử dụng máy ảo, chơi game nặng, ...
  • Gỡ bỏ các ứng dụng rác: Phần lớn PC của người dùng hiện nay đều bị dính các ứng dụng rác như Ask Toolbar, tăng tốc hệ thống. Hãy dẹp hết chúng để giúp máy bạn chạy nhanh hơn.
  • Đóng bớt các ứng dụng hoặc các tab trình duyệt bạn không dùng đến.

Cuối cùng thì cũng chẳng có gì thay đổi. Các các bạn tự quản lý bộ nhớ cũng chẳng khác những hệ điều hành tiền nhiệm, nó chỉ khác ở cách thể hiện trong Task Manager. Nhưng đừng lo, cách thức nén bộ nhớ mới sẽ giúp máy bạn chạy mượt nhất có thể.


Theo LifeHacker
Dịch bởi xpduyson
Đã chỉnh lý phù hợp với người dùng Việt Nam

 http://windowsvn.net/threads/28729/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét