Phần mềm Pitu giúp người dùng hóa thân
thành các nhân vật trong Tam Quốc nhưng lại thu thập rất nhiều thông tin
không liên quan như vị trí, lịch sử dùng ứng dụng.
Nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đang rất hào hứng với bộ
lọc mới được ứng dụng Pitu tung ra từ tuần trước. Cách thức thực hiện
không khác các bộ lọc trước đó khi giúp người dùng hóa trang thành những
nhân vật nổi tiếng. Lần này là trong bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa. Chỉ
cần chụp một bức hình selfie, Pitu sẽ làm các công việc còn lại khi biến
chủ nhân thành các nhân vật như Tào Tháo, Trương Phi...
Hàng loạt tài khoản Facebook đăng các bức hình chân dung qua xử lý bởi
Pitu để khoe với bạn bè. Nhiều người thậm chí còn sử dụng làm ảnh đại
diện. Các hình ảnh gây sốt vì theo phong cách truyện tranh và nhiều chi
tiết gây cười khi các nhân vật thậm chí có thể đeo cả Apple Watch hay
dùng điện thoại iPhone.
Pitu hiện có cả phiên bản cho hai nền tảng là Android và iOS. Tất cả đều miễn phí và có số lượt tải khá lớn. Đây là ứng dụng do công ty Internet nổi tiếng của Trung Quốc - Tencent phát triển.
Nhiều người dùng Việt thích thú với hình ảnh qua xử lý bởi Pitu.
|
Tuy nhiên, nhiều người dùng tỏ ra không hài lòng khi ứng dụng đòi
hỏi truy cập quá nhiều thông tin không cần thiết. Khi cài thử qua Play
Store, ngoài camera, phần mềm đòi truy xuất thông tin cả về vị trí địa
lý, lịch sử ứng dụng, trình duyệt, bookmark, số điện thoại, ID máy...
"Chỉ chỉnh sửa ảnh thì không cần quá nhiều thông tin như vậy", anh Minh
Kha, nhân viên một công ty truyền thông ở Hàng Bài, Hà Nội, chia sẻ.
Trước đó, nhiều ứng dụng của Trung Quốc đã vướng vào các nghi vấn
tương tự. Đầu năm nay, một phần mềm chỉnh sửa khác là Meitu cũng đòi
truy xuất các thông tin riêng tư tương tự. Jonathan
Zdziarski, một chuyên gia pháp lý và bảo mật số, còn phát hiện ra rằng,
bên trong Meitu trên iOS có chứa "những đoạn mã phức tạp và đáng ngờ",
làm nhiệm vụ kiểm tra điện thoại một cách âm thầm, trong đó có nhận dạng
thiết bị đã jailbreak hay chưa, số thuê bao di động, nhà mạng…
Pitu thu thập nhiều thông tin không cần thiết với một ứng dụng chỉnh sửa ảnh đơn thuần.
|
Theo chuyên gia bảo mật này, các ứng
dụng ảnh thu thập thông tin người dùng và gửi về máy chủ từ xa không
quá xa lạ. Những thông tin này thường được bán cho các nhà quảng cáo.
Tuy nhiên, việc thu thập cả những thứ liên quan đến quyền riêng tư là
xâm hại nghiêm trọng đến quyền cá nhân. Nguy hiểm hơn, việc âm thầm đánh
cắp số IMEI của điện thoại có thể bị kẻ xấu lợi dụng để chiếm quyền
điều khiển điện thoại.
http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/ung-dung-gay-sot-cua-trung-quoc-thu-thap-nhieu-thong-tin-la-3540524.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét