Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

HDMI NHỮNG KIẾN THỨC CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

HDMI những kiến thức có thể bạn chưa biết - Phần 1

Trong vài năm gần đây, HDMI đã trở thành chuẩn kết nối audio và video chất lượng cao rất thông dụng. Hầu hết các thiết bị hiện nay đã hỗ trợ cổng HDMI như TV, đầu DVD, Blu-ray, các loại máy chơi game, máy tính bảng, máy tính... Lợi ích của HDMI là chỉ với một dây cáp có thể truyền tải cả âm thanh và hình ảnh, HDMI đã làm cho thao tác kết nối giữa các thiết bị trở lên đơn giản. Ẩn sau những thao tác đơn giản còn rất nhiều kiến thức có thẻ bạn chưa biết như các chuẩn HDMI 1.3 hay 1.4, tính năng hỗ trợ Deep Color, hỗ trợ độ phân giải cao UHD 4K. Bài viết sẽ trang bị cho bạn những kiến thức đầy đủ về HDMI.
Dây cáp HDMI thông thường
Hình 1: Đầu nối chuẩn HDMI thường thấy
 
HDMI là viết tắt của High-Definition Multimedia Interface tạm dịch là Giao tiếp đa phương tiện độ phân giải cao. Trước khi có chuẩn HDMI, để kết nối thường phải sử dụng rất nhiều các loại cable khác nhau và truyền tải video và âm thanh thường trên các cáp khác nhau, với HDMI chỉ cần một dây cáp có thể truyền tải cả hình ảnh và âm thanh với chất lượng rất cao. Với cáp HDMI khoảng cách kết nối giữa các thiết bị có thể lên tới 30m mà không cần có bộ khuyếch đại tín hiệu mà vẫn giữ được tốc độ truyền tải lớn.

Cấu tạo cổng HDMI, chức năng từng chân trong cổng HDMI
Hình 2: Cấu tạo cổng HDMI

Cáp HDMI cũng là chuẩn đáng tin cậy trong truyền tải âm thanh, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi âm thanh được mã hóa theo các chuẩn Dolby TrueHD hay DTS-HD Master truyền qua. Để có được chất lượng tương tự thì với các cáp theo chuẩn tín hiệu tương tự (analog signal) cần tới 8 cáp chạy đồng thời. Nếu so sánh HDMI với cáp đồng trục hoặc cáp quang có thể thấy số kênh truyền có thể bằng nhau nhưng chất lượng tín hiệu (số lượng dữ liệu truyền trong 1s) của HDMI vẫn là cao nhất.


Cổng HDMI trên các thiết bị nghe nhìn gia đình
Hình 3: Cổng HDMI trên các thiết bị nghe nhìn gia đình

Để thấy được rõ hơn chúng ta sẽ đi vào các phiên bản HDMI và thông số của từng phiên bản sẽ thể hiện sức mạnh thật sự của HDMI.
Phiên bản 1.0 - 1.2 : Phiên bản 1.0 được phát hành tháng 12/2002 với tốc độ tối đa 4.95 Gbps được tổng hợp từ 8 kênh âm thanh 24bit ở 192 kHz. Tháng 12/2005 phiên bản 1.2 ra đời có thêm tính năng CEC (Consumer Electronic Control) là tính năng tích hợp điều khiển các thiết bị khác nhau thông qua kết nối HDMI.

Phiên bản 1.3: tháng 6/2006 phiên bản 1.3 chính thức ra đời, bằng cách tăng băng thông lên 340MHz tốc độ truyền dữ liệu của cáp HDMI phiên bản 1.3 đã tăng lên đáng kể với tốc độ hoạt động tối đa là 10.2 Gbps. Phiên bản này đã cho phép tính năng Deep Color với hình ảnh ở mức 30-bit 36-bit hoặc 48-bit trong khi các phiên bản trước dùng ở hình ảnh 24-bit. Với các kênh âm thanh đã cho phép tín hiệu đạt chuẩn Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio. Cũng trong năm 2006 một loạt các chuẩn khác ra đời như 1.3a, 1.3b ... tuy nhiên các phiên bản này chỉ dừng ở mức là thiết kế các loại cổng HDMI khác nhau cho phù hợp với nhiều thiết bị hơn như mini HDMI, micro HDMI.

Phiên bản 1.4: tháng 5/2009 sản phẩm đầu tiên HDMI phiên bản 1.4 ra đời với độ phân giải hình ảnh tối đa lên tới 4K x 2K. Với công nghệ mới HDMI 1.4 hỗ trợ video 4096×2160 ở tần số 24 Hz (video 4K) hoặc 3840×2160 (Ultra HD) tại các tần số 24 Hz/25 Hz/30 H. Ngoài ra phiên bản 1.4 cho phép các kết nối mạng Ethernet 100Mbps giữa hai thiết bị nhằm tăng được khoảng cách kết nối, trước đây việc kết nối giữa hai thiết bị dừng lại ở khoảng cách tầm 30m thì với chuẩn 1.4 kèm theo bộ kéo dài bằng cáp mạng Cat5 độ dài lên tới 500m.


Dây cáp HDMI phiên bản 1.4
Hình 4: Dây cáp HDMI phiên bản 1.4

Phiên bản 2.0: ra đời tháng 9/2013, phiên bản này là bước tiến của truyền dẫn đa phương tiện, với tốc độ truyền tải được đẩy lên rất cao ở mức 18Gbps và đáp ứng tất cả các chuẩn Video, Audio hiện tại. Tại thời điểm bài viết, các sản phẩm thương mại HDMI phiên bản 2.0 hiện chưa được đưa ra thị trường.

Chúng ta đã lần lượt đi qua các phiên bản của cáp HDMI và có cái nhìn khá toàn diện về cáp HDMI, với kiến thức cơ bản này các bạn có thể tìm mua cho mình được những phiên bản cáp sao cho phù hợp. Ví dụ, nếu chúng ta chỉ xem phim HD 720p và âm thanh ở mức thông thường thì có thể lựa chọn phiên bản 1.3. Các loại cáp không thương hiệu hoặc nhái hiện chỉ dừng ở phiên bản này, chính vì thế giá thành rất rẻ. Còn nếu bạn thường xem phim Full HD 1080p với âm thanh mã hóa DTS hoặc Dolby hoặc bạn mua về để kết nối cho Tivi UHD - 4K loại mới thì chắc chắn phải lựa chọn phiên bản 1.4 mới tận dụng hết được tính năng của thiết bị.

Trong những lượt bài tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về các loại đầu cắm HDMI do hiện nay các thiết bị dùng HDMI cũng rất đa dạng. Hy vọng bài viết giúp ích được cho các bạn nhiều trong quá trình lựa chọn cáp kết nối cho thiết bị của bạn. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn xin liên hệ với chúng tôi tại website PhụKiện239.VN.

 https://phukien239.vn/tin-tuc/hdmi-nhung-kien-thuc-co-the-ban-chua-biet-phan-1-n5.html

HDMI những kiến thức có thể bạn chưa biết - Phần 2

Trong bài viết HDMI những kiến thức có thể bạn chưa biết Phần 1 chúng ta đã có kiến thức căn bản về HDMI là gì, các phiên bản hiện hành của HDMI và qua đó bạn đọc phần nào cũng đã lựa chọn được những thông số dây cáp phù hợp với nhu cầu của mình.
Chúng ta sẽ tiếp tục series kiến thức về chuẩn HDMI với các dạng đầu cắm HDMI hiện có trên thị trường. HDMI hiện có 5 loại đầu cắm là các chuẩn A, B, C, D, E mỗi loại đầu cắm này cũng xuất hiện từ các phiên bản khác nhau của HDMI chứ không phải tất cả các phiên bản đều có cả 5 loại đầu cắm này. Đầu cắm HDMI chuẩn A,B ra đời cùng phiên bản HDMI 1.0, chuẩn C được phát triển từ HDMI phiên bản 1.3 và hai chuẩn còn lại D, E có mặt cùng phiên bản HDMI 1.4.
Phân biệt các loại đầu cắm HDMI ABCDE và phiên bản HDMI 1.0-1.2 1.3 1.4
Hình 1: Phân biệt các loại đầu cắm HDMI ABCDE và phiên bản HDMI 1.0-1.2 1.3 1.4

Với mỗi một chuẩn thì đầu kết nối sẽ có hai dạng khác nhau là đầu đực (male) hoặc đầu cái (female). Đa phần dây cáp HDMI thì các đầu kết nối là đầu đực, còn cổng HDMI trên các thiết bị (TV, máy tính, máy chơi game) thì thường là đầu cái.

Phân biệt HDMI đầu đực và HDMI đầu cái
Hình 2: Phân biệt HDMI đầu đực và HDMI đầu cái

Mỗi chuẩn đầu cắm HDMI có kích thước khác nhau, tại sao phải thiết kế ra nhiều loại chuẩn cắm như vậy? Câu trả lời là chúng được thiết kế cho các thiết bị lớn bé khác nhau và đảm nhận các chức năng khác nhau. Để hiểu rõ hơn chúng ta sẽ đi vào từng loại chuẩn đầu cắm và các thiết bị phù hợp với chuẩn này.

Đầu cắm HDMI chuẩn A: đây là loại phổ thông nhất hiện nay do nó ra đời từ phiên bản đầu tiên HDMI 1.0 với kích thước 13.9 mm × 4.45 mm. Loại đầu cắm này có mặt ở hầu hết các TV (LCD, LED, UHD, 4K) các loại âm ly, một số đầu DVD, Bluray, máy chơi game XBOX, PS... Nếu để ý hơn chúng ta thấy chuẩn này xuất hiện trên các thiết bị có kích thước lớn.

Đầu cắm HDMI chuẩn C: Còn gọi là mini HDMI kích thước 10.42 mm × 2.42 mm nhỏ hơn chuẩn A và cũng có 19 chân. Do kích thước nhỏ hơn nên chúng thường dùng trong thiết bị như máy tính, máy ảnh, máy quay video hay một số các thiết bị cầm tay có kích cỡ trung bình.

Đầu cắm HDMI chuẩn D: tên gọi khác là micro HDMI kích thước 6.4 mm × 2.8 mm, do kích thước nhỏ nên chúng thường được sử dụng trong các thiết bị di động như smart phone hoặc máy tính bảng...

Hai đầu cắm chuẩn B và E vẫn chưa có sản phẩm thương mại tại thời điểm bài viết, chúng tôi sẽ cập nhật thêm về các chuẩn này các sản phẩm liên quan được đưa ra thị trường.


HDMI chuẩn C trên máy ảnh Nikon D800
Hình 3: HDMI chuẩn C trên máy ảnh Nikon D800

Như vậy chúng ta đã có thêm những kiến thức mới để có cái hiểu sâu hơn về HDMI, với kiến thức này chúng ta có thể lựa chọn được chính xác hơn loại cáp đáp ứng nhu cầu thực tế.
Các bài viết tiếp theo sẽ tiếp tục trang bị cho bạn đọc kiến thức sâu hơn về HDMI, rất hy vọng những kiến thức này bổ ích cho bạn đọc, mọi thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về cáp HDMI xin được liên hệ với chúng tôi tại website Phụkiện239.VN.
 
  https://phukien239.vn/tin-tuc/hdmi-nhung-kien-thuc-co-the-ban-chua-biet-phan-2-n27.html

HDMI những kiến thức có thể bạn chưa biết - Phần 3

Qua các bài viết trước chúng ta đã có cái nhìn tương đối đầy đủ về các phiên bản HDMI và các chuẩn đầu cắm HDMI, bạn đọc cũng đã có thể qua các kiến thức đó lựa chọn cho mình các thiết bị, dây cáp có liên quan đến HDMI một cách phù hợp nhất.

Chuẩn HDMI ẩn chứa bên trong rất nhiều các kiến thức, bài viết hôm nay chúng ta sẽ chuyên sâu hơn về các giao thức truyền dữ liệu được tích hợp trong chuẩn HDMI.

Về mặt vật lý HDMI truyền 3 kênh tín hiệu vật lý khác nhau trên cùng 1 dây cáp đó là DDC, TMDSCEC. Ở phiên bản HDMI 1.4 có thêm ARC và HEC.

DDC viết tắt của cụm từ Display Data Channel - Kênh dữ liệu hiển thị: đây là kênh các thiết bị giao tiếp với nhau truyền tải các thông số về hình ảnh giúp các thiết bị hiển thị có được thông số tối ưu nhất. Ngoài ra kênh này cũng được dùng cho HDCP (High-bandwidth Digital Content Protection) truyền tải nội dung các bộ mã khóa nhằm mã hóa nội dung truyền trên TMDS chống các nội dung vi phạm bản quyền. Chân 17 trong chuẩn HDMI được sử dụng làm nhiệm vụ truyền tải tín hiệu của kênh này.

TMDS (Transition Minimized Differential Signaling) : đây là kênh chính để truyền tải các nội dung video, hình ảnh, âm thanh cũng như các dữ liệu liên quan. Các dữ liệu này có thể được mã hóa theo các thông tin bộ mã khóa HDCP được truyền qua kênh DDC. TMDS truyền tải một lượng dữ liệu rất lớn do đó tốc độ trên kênh là rất cao và yêu cầu tỉ lệ lỗi là thấp nhất có thể. Tốc độ truyền tải tối đa về mặt lý thuyết của kênh là 10.2Gbps từ phiên bản HDMI 1.3 trở đi.

CEC (Consumer Electronics Control) kênh điều khiển các thiết bị khách: khi các thiết bị điện tử trong phòng khách gia tăng, số lượng các bộ điều khiển cũng tăng lên tương ứng. Một hệ thống giải trí gia đình hiện nay bao gồm TV, đầu DVD hoặc Bluray, Đầu Karaoke, Âm ly, TvBox... như vậy tính sơ sơ chúng ta có khoảng 3-5 điều khiển từ xa. Sự bất tiện này sẽ được giải quyết nếu các thiết bị hỗ trợ CEC là một tính năng điều khiển các thiết bị khách thông qua kết nối HDMI.
Minh họa tính năng CEC trên HDMI
Hình 1: Minh họa tính năng CEC trên HDMI

ARC (Audio Return Channel): sử dụng một kết nối HDMI để gửi tín hiệu âm thanh ngược lại cho hệ thống âm thanh hoặc hệ thống AV receiver. Tính năng này chỉ có trên HDMI phiên bản 1.4.

Minh họa tính năng ARC trên HDMI
Hình 2: Minh họa tính năng ARC trên HDMI

HEC (HDMI Ethernet Channel): cho phép các ứng dụng trên nền tảng IP trên HDMI và hỗ trợ ở tốc độ là 100Mbps. Hiệp hội HDMI mong muốn rằng HDMI sẽ là loại cáp all-in-one. Với tính năng này cáp HDMI có thể hỗ trợ IPTV, DLNA (mạng chia sẻ nội dung số) ... Tính năng này cũng chỉ xuất hiện trên phiên bản HDMI 1.4.

Những tính năng trên cho thấy cáp HDMI ngày sẽ trở nên thông dụng hơn tốc độ cao, độ ổn định tốt, nhiều các tính năng đặc biệt mà các loại cáp khác không có được. Chúng tôi sẽ quay trở lại với những bài viết tiếp theo liên quan đến chủ đề kiến thức về chuẩn HDMI, mọi yêu cầu tư vấn và thắc mắc xin được liên hệ với chúng tôi tại website PhụKiện239.VN.



 https://phukien239.vn/tin-tuc/hdmi-nhung-kien-thuc-co-the-ban-chua-biet-phan-3-n28.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét