USB-C: KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ BẠN TƯỞNG
Kể từ khi
USB-C
bắt đầu xuất hiện, chúng ta đã liên tục nghe rằng chỉ cần một cổng này
là có thể truyền được nào là dữ liệu, nào là hình ảnh, rồi còn có khả
năng truyền điện để sạc máy móc nữa. Nói cách khác, USB-C sẽ là cổng kết
nối tương lai cho mọi thiết bị công nghệ! Tuy nhiên mọi chuyện thực
chất không đơn giản như thế. USB-C đơn thuần là cái cổng, còn giao thức
bên trong là gì lại là một chuyện khác và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới
cách mà chúng ta sử dụng máy móc. Lại càng rắc rối hơn khi các giao thức
bị chia nhỏ thành nhiều loại khác nhau và dễ gây ra những nhầm lẫn
không đáng có cho người dùng.
Có USB-C nhưng chưa chắc có tốc độ cao, có dòng điện mạnh, hay có thể xuất video
Để ví dụ về những nhầm lẫn mà USB-C có thể gây ra, mình sẽ nói về các
thiết bị thực tế đã có mặt trên thị trường. Nokia N1, MacBook 12"
Retina, Chromebook Pixel, Dell XPS 15 (2015), Lumia 950 / 950 XL đều là
những thiết bị dùng USB-C. Tuy nhiên, chiếc tablet Nokia N1 lại xài
USB-C với giao thức là
USB
2.0 mà thôi, tức là nó chỉ có thể truyền tải dữ liệu tối đa ở tốc độ
480Mbps. MacBook, Chromebook Pixel, Lumia 950 / 950 XL cũng có USB-C
nhưng lại xài giao thức
USB 3.1 gen 1 với tốc độ tối đa là 5Gbps. Và nếu bạn chưa biết thì USB 3.1 gen 1 chính là
USB 3.0
nhưng được bổ sung thêm một số tính năng nhỏ. Nhiêu đây đã đủ rắc rối
với anh em Tinh tế rồi chứ đừng nói đến là những người dùng phổ thông
không rành về công nghệ.
Trong khi đó, chiếc Dell XPS 15 (2015) cũng xài USB-C nhưng lại là giao thức
Thunderbolt 3
với tốc độ truyền tải lý thuyết 40Gbps. Vâng, cũng là một cổng USB-C
thôi nhưng bạn có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về tốc độ rồi đấy. Với đa
số những người dùng thông thường, họ có thói quen phân biệt các kết nối
thông qua hình dáng của cổng giao tiếp nên sẽ rất dễ bị nhầm. Các nhà
sản xuất lại không ghi chú thật rõ để người dùng hiểu nên mọi chuyện trở
nên rắc rối hơn.
Và không phải máy tính nào có cổng USB-C thì cũng có khả năng xuất hình
ra ngoài. Nếu cổng USB-C đó chỉ dùng giao thức USB 3.1 không thì chưa
đủ, nó phải hỗ trợ thêm giao thức video như
DisplayPort,
MHL hay
HDMI thông qua USB-C nữa thì bạn mới xuất được hình ảnh.
Liên quan đến vấn đề truyền tải điện năng, mặc định USB-C cũng chỉ có
thể truyền được điện 5V với cường độ 1,8A. Dòng điện này chỉ đủ sạc cho
điện thoại hoặc tablet cỡ nhỏ, chứ sạc cho laptop hay tablet tầm 10"-12"
thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu muốn dùng cổng USB-C để sạc máy
tính, máy tính đó phải hỗ trợ thêm cấu hình USB Power Delivery 2.0 (USB
PD). Cấu hình này cho phép cổng USB-C tăng cường độ dòng điện tối đa lên
thành 5A, còn hiệu điện thế thì được lựa chọn giữa mức 5V, 12V hoặc
20V. Khi đó, công suất tối đa sẽ đạt 100W và nhiêu đây mới đủ để sạc
laptop.
Thiết bị ngoại vi có USB-C không phải cứ ghim vào máy tính là sẽ chạy được
Nãy giờ chúng ta toàn nói về những thiết bị như smartphone, tablet, PC,
tức là những thiết bị host. Còn những thiết bị ngoại vi (peripheral) như
ổ cứng rời, máy in, màn hình, cáp kết nối thì sao? Chúng cũng có cùng
vấn đề như đã nói ở trên. Một cái ổ cứng Thunderbolt 3 khi ghim vào
MacBook 12" hay Chromebook Pixel cũng chỉ chạy được với tốc độ tối đa là
5Gbps mà thôi, không thể nào đạt đến 40Gbps vì bên host không hỗ trợ.
Hay như chiếc Lumia 950 XL, Microsoft nói rằng cổng USB-C của máy có thể
xuất hình ảnh ra bằng giao thức DisplayPort. Tuy nhiên, thứ mà
Microsoft không đó là 950 XL không xuất đủ điện nên một số màn hình dùng
kết nối USB-C sẽ chẳng thể hoạt động. Mình đã trực tiếp thử nghiệm điều
đó với cái màn hình USB-C mới của Asus. Lúc ghim vào MacBook 12", do nó
có nguồn điện xuất ra nên màn hình chạy được, còn khi ghim vào Lumia
950 XL thì màn hình chỉ sáng lên được một cái rồi tắt ngúm ngay lập tức.
Và nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về cổng USB-C của Nokia N1 thì xin
chúc may mắn, bạn khó mà tìm được tài liệu hỗ trợ chính thức nào nói về
cái cổng này và những gì nó có thể làm được. Tất cả những gì chúng ta
biết đó là cổng này hỗ trợ giao thức USB 2.0, không biết nó có hỗ trợ
xuất hình ảnh ra ngoài hay không.
Đề cập thêm về sợi cáp USB-C dùng cho giao thức Thunderbolt 3, nó có 2
loại. Loại thụ động rẻ tiền hơn nhưng chỉ đạt tốc độ bằng với USB 3.1,
tức là 5Gbps. Loại thứ hai là loại chủ động, đắt tiền hơn do nó tích hợp
con chip dùng để khuếch đại tín hiệu, và loại này mới đạt mức 40Gbps.
Đau đầu ở chỗ cả hai loại này đều xài chung logo hình tia sét, ngoại
hình cũng giống nhau, vậy thì làm sao mà phân biệt được??? Intel cho
biết họ đang cân nhắc sử dụng logo khác cho loại cáp chủ động nhưng vẫn
chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.
Tính tương thích của cáp cũng là vấn đề
Ngoại trừ sự khác biệt về giao thức, bạn nghĩ rằng hai thiết bị có cùng
cổng USB-C thì có thể xài chung cáp? Chưa chắc à nha. Mới đây có một vấn
đề là cáp USB-C của chiếc điện thoại OnePlus 2 không thể dùng với những
thiết bị USB-C khác do vấn đề chế tạo không theo chuẩn, và hãng OnePlus
đã phải hoàn tiền lại cho những ai đã lỡ mua sợi cáp đó. Tương tự, cáp
USB-C của Nokia N1 cũng không thể dùng để sạc pin cho Lumia 950 và 950
XL (mod @Trung Dt đã thử nghiệm chuyện này) do sự khác biệt về chấu tiếp xúc (8 chấu với cáp của N1, trong khi chuẩn phải là 24 chấu).
Có thể đây chỉ là vấn đề ở buổi đầu của USB-C, tuy nhiên nó cũng rất
đáng để nói tới vì chúng ta đã quá quen thuộc với kiểu dùng chung cáp
giữa các thiết bị với nhau rồi. Vậy mà giờ cáp USB-C của cái này lại
chẳng dùng được cho cái khác, thì quả thực cũng đau đầu và rắc rối lắm
chứ. Hi vọng là trong tương lai các hãng làm phụ kiện sẽ giải quyết gọn
gàng chuyện này.
Có thể phân biệt bằng logo, nhưng đời không như là mơ
Hiệp hội USB hoàn toàn hiểu được những rắc rối mà mình đã nói tới ở
trên, thế nên họ đưa ra một hệ thống các logo để giúp bạn phân biệt giữa
USB 2.0, USB 3.1, USB Power Delivery. Những logo này sẽ được gắn không
chỉ trên bao bì sản phẩm mà còn in trên thân máy nữa. Mời các bạn xem
qua cái bảng bên dưới.
Nhưng lại một lần nữa, đời không như là mơ, không phải là thiết bị nào
cũng có in đầy đủ những logo như trên để mà phân biệt. Chiếc Chromebook
Pixel và MacBook thậm chí còn chẳng có logo gì rõ ràng, Lumia 950 XL
cũng không khác. Thật là đau khổ! Trong ảnh bên dưới là cái màn hình
USB-C của Asus, nó ghi rõ là vừa hỗ trợ USB và có thêm logo DisplayPort,
ý chỉ khả năng hiển thị video.
Trong quá khứ, các hãng làm thiết bị từng xài chiêu sơn màu khác nhau để
phân biệt các giao thức. Ví dụ, cổng USB 2.0 là đen, USB 3.0 thường có
màu xanh dương, xanh lá là USB 3.1, vàng là cổng cho phép sạc ngay cả
khi máy đã sleep. Tuy nhiên, việc sử dụng màu này không nằm trong quy
chuẩn của Hiệp hội USB, chỉ là các hãng tự làm ra mà thôi. Ngay cả khi
họ quyết định xài màu cho USB-C thì cũng rất khó để nhìn do cổng này nhỏ
và rất mỏng.
USB-C vẫn sẽ là tương lai
Dù cho có nhiều thứ rắc rối như vậy nhưng USB-C sẽ là một xu hướng không
thể chối cãi và nó sẽ trở thành cổng kết nối chủ đạo trên hầu hết những
món đồ công nghệ mà chúng ta mua trong 1-2 năm nữa. Smartphone, tablet,
PC, TV, máy chơi game... rồi sẽ sử dụng USB-C một cách rộng rãi vì
những lợi ích lớn của nó, ví dụ như khả năng cắm cáp mặt nào cũng được,
khả năng hỗ trợ nhiều giao thức, kích thước nhỏ gọn, mỏng nhẹ.
Vấn đề còn lại đó là là các nhà sản xuất thiết bị cần phải làm sao để
giải thích thật rõ cho khách hàng hiểu cổng USB-C trên cái máy họ sắp
mua có thể làm được gì, nó có chức năng gì và không hỗ trợ cho những thứ
gì. Chẳng phải sẽ rất hụt hẫng sao khi bạn vừa hí hửng mua một cái ổ
cứng Thunderbolt 3 để rồi phát hiện ra nó không tương thích đầy đủ với
chiếc MacBook của mình. Những tình huống như thế này sẽ khiến trải
nghiệm của người dùng bị giảm đi và tạo ra những sự bực mình không đáng
có.
Một trong những cách mà các hãng có thể giải thích kĩ càng cho người
dùng đó là thông qua logo. Có thể họ sẽ không in trên thân máy vì tính
thẩm mỹ, nhưng hi vọng ít nhất thì vẫn sẽ có đầy đủ trên bao bì hay trên
trang web. Trang hỗ trợ online hay trang web giới thiệu sản phẩm cũng
phải có mục giải thích về USB-C thay vì bắt người dùng phải tự tìm hiểu
hết mọi thứ vì rõ ràng không phải ai cũng có thời gian làm chuyện đó.
NÊN ĐỌC THÊM: USB-C vs USB 3.1 vs Thunderbolt 3: giải mã những hiểu lầm của anh em
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét