Phần màn hình bên trên:
Surface Book là một chiếc tablet cấu hình mạnh chạy Windows 10. Hoặc chúng ta có thể xem nó như là một chiếc Surface khi gỡ bàn phím ra. Máy có đủ CPU Core i5 hoặc i7 đời Skylake mới nhất, GPU tích hợp (của Intel, còn GPU rời NVIDIA thì ở dock), RAM, SSD. Riêng phần này chỉ mỏng có 7,7mm và nặng chỉ 730g, thế nên Microsoft gọi nó là chiếc máy tính Core i7 mỏng nhẹ nhất hiện nay. Nó sẽ kết nối vào đế bàn phím thông qua một cơ chế ngàm đặc biệt, phần ngàm mình sẽ nói đến ở bên dưới.
Cũng nói về vụ kết nối, bạn có thể gắn màn hình này hướng về phía bạn như một cái laptop bình thường, hoặc gắn ngược lại để có thể dựng máy thành hình chữ V, phù hợp những khi cần thuyết trình hay cho người đối diện xem hình ảnh, bài viết gì đó. Bạn cũng có thể gập nó lại theo chữ L để coi phim mà không phải mất công cầm máy, cũng chẳng bị bàn phím cản tầm nhìn. Nói cách khác, phần màn hình có thể được gắn và gập 360 độ tùy ý bạn.
Hai cạnh bên của máy được vát chéo lên giống như Surface Pro 3 và Pro 4. Nó cũng được tiện từ kim loại nên trông đẹp mắt, có đủ các lỗ tản nhiệt.
Màn hình:
Kích thước tấm nền là 13,5" (khá lạ, hầu hết laptop giờ xài 13,3"), độ phân giải cao 3000 x 2000 điểm ảnh đạt mức 267ppi. Với mật độ điểm ảnh như thế này và khoảng cách dùng máy tính thông thường thì chúng ta sẽ có một màn hình rất mịn, không nhìn thấy điểm ảnh. Mình hiện đang dùng Macbook Pro Retina ppi đạt 220 và khoảng cách nhìn từ mắt khoảng 60cm là thấy mịn lắm rồi. Ngoài ra, phần LCD và phần kính được ép chặt vào nhau để hạn chế phản chiếu, tăng độ sâu màu, độ tương phản và độ chi tiết cho hình ảnh. Màu sắc cũng được cân chỉnh trước khi giao đến tay người dùng.
Màn hình của Surface Book là màn hình cảm ứng với công nghệ PixelSense của Microsoft. Công nghệ này được Microsoft phát triển và trang bị trên các máy Surface của họ. Nó là sự kết hợp cả phần cứng và giải pháp phần mềm để giúp chúng ta có thể làm việc nhiều hơn trên màn hình cảm ứng. Cũng như Surface Pro 4, Surface Book được trang bị một con chip điều khiển cảm ứng do chính Microsoft phát triển để có thể phản hồi tốt nhất với cả việc chạy bằng tay hay vẽ bằng bút.
Tỉ lệ màn hình của thiết bị này là 3:2, một con số cực kì đáng chú ý. Thứ nhất, màn hình 3:2 khi xài ở dạng laptop sẽ cho phép chúng ta xử lý công việc liên quan đến văn bản, bảng tính hay tạo slide thuyết trình một các hiệu quả vì nội dung của các tài liệu chủ yếu trải dài theo chiều dọc. 3:2 cũng là tỉ lệ của giấy A4. Còn với các máy 16:9 truyền thống thì nó rộng ra theo chiều ngang nhiều hơn nên việc hiển thị tài liệu không tốt bằng. Tất nhiên, tỉ lệ 3:2 vẫn đáp ứng tốt cho tất cả những tác vụ khác, ví dụ như vẽ CAD, dựng hình 3D, xử lý ảnh...
Còn khi xài ở dạng tablet, tỉ lệ 3:2 cho phép chúng ta cầm máy một cách dễ dàng. Bạn sẽ không bị tình trạng màn hình quá hẹp và máy quá dài khi xài theo chiều dọc, cũng không bị mất cân bằng khi cầm máy theo chiều ngang. Cũng vì vậy mà bạn thấy là trên sân khấu đại diện Microsoft cầm máy quay quay rất tự nhiên và thoải mái. Từ Surface Pro 3 trở đi Microsoft đã chuyển sang dùng 3:2 thay vì 16:9 hay 16:10 trước đó, các tablet Android giờ cũng toàn đi theo xu hướng này. iPad thì đó giờ dùng tỉ lệ 4:3, cũng khá gần với 3:2.
Bản lề:
Bản lề của Surface Book rất độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị hiện nay khi sử dụng một thứ mà Microsoft gọi là Fulcrum Hinge. Từ "Fulcrum" có nghĩa là đòn bẩy, hoàn toàn phù hợp với cơ chế mở ra gập lại của bản lề này. Khi một "đốt" bản lề nằm xuống, nó sẽ làm điểm tựa để chúng ta tiếp tục mở màn hình ra hoặc gập lại. Bạn sẽ thấy rõ điều mình nói trên đoạn video bên dưới, từ phút 0:43 đến 0:46.
Về thiết kế, bản lề này tạo ra một điểm nhấn ngoại hình cho chiếc Surface Book. Hôm qua khi mới nhìn vào mình đã bị cái bản lề thu hút ngay lập tức, nó không giống với bất kì thiết bị nào khác trên thị trường hiện nay. Chiếc Lenovo Yoga Pro 3 cũng xài bản lề dạng bảng to như thế này nhưng nhìn mỏng manh và không đã như Surface Book.
Bản lề của Surface Book
Bản lề Lenovo Yoga Pro 3
Lúc bạn gập màn hình lại, Surface Book sẽ có một khoảng hở hẹp dần từ sau ra trước chứ không kín như là laptop truyền thống của chúng ta. Có vẻ như khoảng trống này sẽ không gây tác hại gì cả, nhưng điều này thì hãy chờ bọn mình có máy trên tay sẽ chia sẻ rõ hơn.
Bàn phím
Microsoft dành rất nhiều thời gian để nói về bàn phím của Surface Book, và đó cũng là một trong những lý do chính mà công ty tin rằng người dùng sẽ mua Surface Book nếu không thích Surface Pro. Tiếng gõ của bàn phím trên Surface Book cũng sẽ rất nhẹ nhàng, rất êm ái nhưng vẫn đảm bảo độ nảy và cảm giác gõ tốt. Hành trình của phím là 1,6mm (để bạn dễ so sánh thì bàn phím cho máy bàn thường có hành trình 3,5 đến 4mm).
Có thể bạn không biết nhưng Microsoft mà một trong những công ty làm bàn phím trong 25 năm qua và có các mẫu rất nổi tiếng. Như lời sếp Microsoft nói trên sân khấu hôm qua: "Chúng tôi biết thế nào là trải nghiệm sướng khi gõ, chúng tôi đã làm bàn phím từ lâu rồi. Và chúng tôi đem toàn bộ kinh nghiệm của mình lên Surface Pro để giúp bạn gõ thoải mái nhất có thể".
Dock, GPU rời và pin
Được chế tác từ một cục nhôm nguyên khối sau đó đem tiện, khoét lỗ và đặt linh kiện vào, Surface Book hứa hẹn mang lại cảm giác chắc chắn, cao cấp và liền mạch, đúng với cái tên "Surface" của mình. Ngoài ra, mỗi chiếc Surface Book sẽ có những đường vân kim loại khác nhau (nhưng chắc là bạn phải nhìn kĩ mới thấy). "Sẽ không có bất kì khoảng trống nào, mọi thứ sẽ vừa khít với nhau".
Phần ngàm gắn tablet vào dock được Microsoft thiết kế riêng rất chắc chắn nên khi bạn cầm phần màn hình thì bàn phím sẽ không rơi ra, tương tự nếu chỉ cầm bàn phím và dốc ngược máy xuống thì màn hình cũng không bị rớt. Cơ chế ngàm này được Microsoft gọi bằng cái tên "Muscle Wire" do chính hãng sáng chế ra. Sẽ có một nút bấm trên bàn phím, và bạn cần nhấn nhẹ vào nút này để lấy tablet ra.
Trên dock bàn phím này có đủ 2 cổng kết nối USB 3.0 full-size, một khe đọc thẻ SD, một cổng mini DisplayPort để xuất hình ảnh ra màn hình ngoài, và một cổng Surface Connect để gắn sạc hoặc gắn với dock mở rộng riêng do Microsoft bán.
Nhưng thú vị hơn đó là phần dock bàn phím này chứa cả một GPU rời. GPU này do NVIDIA cung cấp, nó thuộc dòng GeForce nhưng không rõ là model nào, có thể là từ GTX 940M trở lên. Tất nhiên, GPU rời chỉ có thể hoạt động khi bạn kết nối phần màn hình vào bàn phím mà thôi, còn nếu chỉ xài riêng phần màn hình như một cái tablet thì khi đó GPU tích hợp Intel HD Graphics sẽ đảm nhận nhiệm vụ. Việc xài GPU rời cho phép bạn làm video, chỉnh hình, dựng sản phẩm 3D và chơi game một cách mượt mà hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
Nhưng các bạn lưu ý, không phải model Surface Book nào cũng được trang bị GPU rời, chỉ có các mẫu với giá khởi điểm từ 1899$ trở lên mới có. Tổng quan, Microsoft nói sức mạnh của Surface Book mạnh hơn gấp đôi so với MacBook Pro Retina 13".
Microsoft nói pin của máy có thể chạy được khoảng 12 tiếng khi kết nối tablet vào dock, tức là dư dùng cho một ngày làm việc. Ngoài ra, khi bạn gập màn hình lại thì máy sẽ tự động đưa về chế độ sleep và các kĩ sư Surface đã thiết kế phần cứng sao cho mức tiêu thụ điện lúc này gần như bằng 0. Cục pin trong dock chiếm hơn 50% diện tích, phần còn lại là cho bo mạch và các linh kiện khác.
Cấu hình
Giá bán và tùy chọn cấu hình
*Trong hộp đi theo máy có sẵn bút Surface Pen
Kết
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng Surface Book là một sản phẩm có rất nhiều điểm đặc biệt, từ cách mà Microsoft làm bàn phím, làm bản lề, chọn tỉ lệ và độ phân giải màn hình cho đến cách bố trí CPU, GPU. Nhìn qua thì Surface Book cũng có mức độ hoàn thiện ở mức cao và sử dụng vỏ kim loại nguyên khối. Tóm lại thì đây chỉ là một cái máy đẹp mà còn mạnh và hết sức tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Surface Book có thể xem như hình mẫu cho các hãng phần cứng khác noi theo, và chỉ có những sản phẩm như thế này mới khiến người dùng chuyển từ "cần Windows sang muốn Windows và yêu Windows" như tham vọng của CEO Satya Nadella.
https://tinhte.vn/threads/nhung-gi-ban-can-biet-ve-surface-book-man-hinh-ban-le-ban-phim-gpu-roi-gia-ban.2515163/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét