Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

CƠN SỐT “VỖ CÁNH” TRÊN MẠNG

(TBKTSG Online) - Mặc dù tác giả Nguyễn Hà Đông đã rút trò chơi Flappy Bird khỏi các cửa hàng phần mềm App Store (của Apple) và Play Store (của Google) từ cuối tuần trước song sức hấp dẫn khó cưỡng của trò chơi này, cùng với danh tiếng và lợi nhuận mà nó mang lại, đã gây nên một “cơn sốt” trên mạng, dẫn tới sự ra đời của hàng chục trò chơi “nhái” (clone) Flappy Bird và cả một kiến nghị đòi khôi phục trò chơi này.
Trang web chuyên công nghệ TechCrunch hôm nay (16-2) đưa tin các tập đoàn Google và Apple đã quyết định từ chối đưa lên cửa hàng của mình tất cả các phần mềm trò chơi có chữ “Flappy” (vỗ cánh) trong tiêu đề, với lý do “gây nhầm lẫn với một ứng dụng phổ biến”.
TechCrunch dẫn trường hợp của nhà lập trình game Ken Carpenter thuộc Công ty Mind of Juice có trụ sở tại Vancouver, Canada cho biết, trò chơi “Flappy Dragon” (Con rồng vỗ cánh) của ông ta đã bị Apple từ chối, dựa trên điều 22.2 của bản quy ước App Store Review Guidelines. Điều này quy định mọi phần mềm có chứa thông tin sai lệch, có tính lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm đều bị từ chối. “Con rồng vỗ cánh” cũng bị Google từ chối, không cho đăng trong cửa hàng phần mềm dành cho hệ điều hành Android.
Không chỉ từ chối “Con rồng vỗ cánh”  mà hôm nay Apple và Google cũng bắt đầu loại ra khỏi cửa hàng tất cả những trò chơi “vỗ cánh” khác, chẳng hạn như “Con ong vỗ cánh”(Flappy Bee), “Máy bay vỗ cánh” (Flappy Plane), “Siêu anh hùng vỗ cánh” (Flappy Super Hero), “Người bay vỗ cánh” (Flappy Flyer),”Con chó vỗ cánh” (Flappy Doge) v.v… Việc loại bỏ các trò chơi này đã làm cho lượng người tải các trò chơi xếp hạng “top” trên hai cửa hàng phần mềm này sụt giảm nghiêm trọng.
Trong một diễn biến liên quan, trên trang web kiến nghị (petition) của Nhà Trắng hôm 13-2 đã xuất hiện một bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Barack Obama đưa trò chơi Flappy Bird lên mạng trở lại (một việc mà Chính phủ Mỹ không thể làm được nếu không có sự đồng ý của tác giả Nguyễn Hà Đông), theo tin của mạng CNet; tuy nhiên đến hôm nay 16-2 kiến nghị này đã bị gỡ bỏ.
Do người chơi không thể “tải” trò chơi Flappy Bird về điện thoại/máy tính bảng nữa, một số người nhạy bén về kinh doanh đã bắt đầu rao bán trên mạng ebay những chiếc điện thoại đã cài sẵn trò chơi này, với giá cao gấp vài lần so với giá của thiết bị; một chiếc iPhone có cài sẵn trò chơi Flappy Bird chẳng hạn được rao với giá lên tới trên 1.000 đô la Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét