TTO - Những thông số 1080p hay 1080i ngày nay gắn liền với cách gọi về độ phân giải hình ảnh chất lượng cao cho phim HD. Tuy nhiên, cần hiểu rõ về sự khác biệt giữa hai thông số này để vận dụng tốt nhất.
Thông số 1080p và 1080i luôn gắn liền với hình ảnh nguồn phát |
Hiện nay việc sở hữu một màn hình tivi có khả năng hiển thị hình ảnh độ phân giải độ nét cao Full HD (1920 x 1080 điểm ảnh - pixel) đã trở nên phổ biến, song bạn cần hiểu rằng chất lượng thật sự lại phụ thuộc vào nguồn phát nội dung. Trong hầu hết trường hợp, những gì bạn nhìn thấy trên màn hình đôi khi vẫn chưa đủ tiêu chuẩn 1080p.
Đây là lúc chúng ta cần hiểu về tên gọi khác nhau dành cho hai loại tín hiệu HD (độ nét cao) gồm 1080i và 1080p. Cả hai đều có chung độ phân giải, vậy sự khác nhau giữa chúng là như thế nào? Sau đây là năm điểm cơ bản để phân biệt:
Video 1080i là "tín hiệu xen kẽ"
Các đoạn phim 1080i được phát với tốc độ 60 khung hình/giây (fps), song thực chất lại… không đúng như vậy, vì tốc độ thật của loại tín hiệu này chỉ có… 30 khung hình/giây. Lúc này, chiếc tivi sẽ làm nhiệm vụ hiển thị các khung hình hai lần liên tiếp, với lần đầu có độ phân giải 1920 x 540 điểm ảnh để hiển thị các dòng quét cân bằng, và lần tiếp theo có độ phân giải 1920 x 540 để hiển thị các dòng quét lẻ.
Quá trình này gọi là hiện tượng phát đan xen tín hiệu, hay tín hiệu xen kẽ, giúp tạo cảm giác trơn tru cho mắt người xem cũng như giảm thiểu hiện tượng nháy ảnh.
Phim 1080p là "tín hiệu lũy tiến"
Các dòng quét của phim 1080p được hiển thị hết dòng này đến dòng khác (lũy tiến), nên tín hiệu 1080p khác hoàn toàn so với tín hiệu xen kẽ của 1080i. Vì lý do này, tín hiệu phim ảnh 1080p trông sẽ mịn màng và sắc nét hơn 1080i, đặc biệt tại những trường đoạn hành động và tiết tấu có tốc độ nhanh.
Hiện nay tín hiệu 1080p đôi khi được gọi bằng những thuật ngữ mang tính thương mại như Full HD hoặc True HD, để phân biệt với tín hiệu video 1080i hoặc 720p.
Đối với đĩa Blu-ray, định dạng đĩa này chỉ hỗ trợ phim 1080p với 24 khung hình/giây, song đã được nhà sản xuất sử dụng kỹ thuật 3:2 pull-down (*) nhằm đẩy lên thành 30 khung hình/giây trên màn hình tivi của người sử dụng.
Tín hiệu 1080p (lũy tiến) luôn được xem là tốt hơn tín hiệu xen kẽ 1080i. Ảnh so sánh (tương đối) sự chênh lệch về chất lượng giữa các loại tín hiệu hiển thị - Ảnh: Internet |
Công nghệ nén tín hiệu có thể “đánh lừa” bạn
Đôi khi, vì mục đích tiết kiệm băng thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ thực hiện việc nén tín hiệu hình ảnh (thường là 1080i) cung cấp đến tivi của người xem. Kết quả là ở một số cảnh nhất định sẽ phát sinh hiện tượng nhạt màu hoặc chi tiết không sắc nét.
Về cơ bản, đây vẫn được xem là hình ảnh độ phân giải cao (HD), đẹp hơn tín hiệu cáp truyền thống nhưng vẫn chưa thật sự trọn vẹn.
Tóm lại, hiện nay đĩa Blu-ray là nguồn cung cấp duy nhất tín hiệu hình ảnh 1080p “nguyên bản”. Ngay cả thiết bị đầu thu Apple TV tân tiến nhất hiện nay, tuy được quảng cáo là mang lại chất lượng 1080p cũng vẫn “âm thầm” nén tín hiệu “chút đỉnh”, do đó không mang lại trải nghiệm thị giác tốt nhất, dù nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng thật khó mà nhận ra sự khác biệt.
1080i và 1080p không khác nhau trên màn hình nhỏ
Có một điều chắc chắn: bạn cần trang bị một màn hình tivi càng lớn càng tốt để có thể thật sự phân biệt chất lượng hình ảnh của hai loại tín hiệu 1080i và 1080p, và màn hình “lớn” ở đây ít nhất cũng phải từ 42 inch trở lên.
Đối với một số màn hình chất lượng tốt, thậm chí ngay cả tín hiệu 720p vẫn mang đến trải nghiệm không hề “thua chị kém em”.
Ngay cả tín hiệu 1080p cũng đang dần "lỗi thời"
Cùng với sự phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ, ngay cả chuẩn Full HD 1080p cũng đang dần bị thế chỗ bởi những định dạng hình ảnh có độ nét cao hơn, cụ thể là chuẩn Ultra High Definition (Ultra HD) với độ phân giải 4K. Nhưng vào thời điểm hiện tại, 1080p cũng vẫn… tạm đủ cho nhu cầu giải trí tại gia của hầu hết chúng ta.
(*) Thuật ngữ pull-down chỉ việc kéo thả một khung hình để khiến nó nhân lên gấp đôi trong khi tốc độ vẫn không thay đổi. Một trong nhiều công thức pull-down thông dụng là 3:2, tức nhân khung hình thứ nhất 3 lần, rồi nhân khung hình thứ hai 2 lần, và cứ thế lặp lại đến khi bộ phim kết thúc. (Nguồn: Wikipedia)
THÚY QUỲNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét