(ĐVO) - Từ rất lâu, dân phóng
viên ảnh của làng báo Việt Nam không xa lạ địa chỉ 3B Bảo Khánh – một
cửa hàng nhỏ bé nằm nép mình trong con ngõ nhỏ cổ kính, nhưng cửa hàng
đó không bao giờ chật chội. Chủ nhân của nó – một người thợ tài hoa, tỉ
mẩn nhiều năm nay đã thầm lặng “đứng sau” những anh em cầm máy, là “bác
sỹ” cho các dòng máy ảnh – vật bất ly thân của những người làm báo ở
Việt Nam.
“Người nổi tiếng” của làng báo
Những người chưa từng gặp Tuấn Việt –
chủ nhân của địa chỉ rất ấn tượng “3B Bảo Khánh” – thì biết anh qua
những lần… cầu cứu đồng nghiệp; người gặp rồi, sẽ ngay lập tức mặc định
trong đầu một thông tin đích danh, rằng, “chỉ đến Tuấn Việt” thì “bệnh”
ấy mới xử lý được, và được bảo hành vĩnh cửu, giá cả “như người nhà”, và
quan trọng nhất, đồ đạc máy móc sẽ được giữ zin 100%, không bao giờ lo
bị “luộc đồ”; những người chơi, gắn bó với anh nhiều năm, sẽ không ngần
ngại: đó là một người tử tế, yêu nghề, sống vì nghề, đầy lòng tự trọng,
đầy lòng trắc ẩn, và không bao giờ phải để người khác lo lắng khi các
công cụ tác nghiệp của họ có vấn đề!
Đó là “tiểu sử” của người thợ sửa máy
ảnh tài hoa có tên Tuấn Việt, “ông chủ” của cửa hàng nhỏ bé chiếm “nửa
con ngõ” tọa lạc trên phố 3B Bảo Khánh.
Địa chỉ: 3B Bảo Khánh – một cửa hàng nhỏ bé nằm nép mình trong con ngõ nhỏ cổ kính, nhưng cửa hàng đó không bao giờ chật chội. |
Đến cửa hàng của anh không bao giờ phải…
hẹn trước, dù trời mưa nắng, đầu tuần hay cuối tuần, một mình anh tỉ
mỷ, tẩn mẩn, chi chút giữa đống dụng cụ, đồ đạc, phụ tùng máy ảnh được
sắp ngăn nắp trong tủ kính “dán” sát tường. Khách có máy ảnh bị hỏng, bị
lỗi, hàng hi-tech hay hàng “sắp sửa vào viện bảo tang”, đưa đến tay
Tuấn Việt, anh đều xử lý chuyên nghiệp hơn cả kỹ sư chính hãng.
Câu chuyện của phóng viên ảnh Hồng Vĩnh
(báo Tiền phòng) có lẽ là “cứu cánh” cho những người trót có duyên
nghiệp với nghề cầm máy: cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 tại đảo Tuần
Châu, phóng viên ảnh Hồng Vĩnh được Báo Tiền phong giao nhiệm vụ đi thực
hiện đưa tin về sự kiện này.
Trước một ngày sự kiện diễn ra, chiếc
máy ảnh Canon 1DMax II của anh lại bị hỏng cửa chập shutter, nếu mang ra
Hãng Canon thì phải ít nhất nửa tháng máy của anh mới có thể được sửa
hoàn thiện. Mang máy qua rất nhiều cửa hàng với yêu cầu sửa xong chỉ
trong một ngày, không cửa hàng nào dám nhận. Hỏi một người bạn trong
nghề, anh mang máy đến chỗ anh Tuấn Việt… cầu cứu. Chỉ trong một buổi
chiều, cửa chập của máy đã được Tuấn Việt sửa xong.
Là người nhiều năm cầm máy, chính nhà
báo Hồng Vĩnh khi đó cũng… chưa hết kinh ngạc, vì không ngờ “anh thợ”
hiền lành, ít nói cặm cụi, tỉ mẩn… trong một buổi chiều đã loại bỏ sự lo
lắng của anh. Để chắc chắn, anh đôn đáo đi mượn thêm một máy ảnh dự
phòng, nhưng rồi, cuối cùng chiếc máy “phòng xa” kia không có dịp sử
dụng, bởi “bệnh” của “con” Canon 1DMax II đã được Tuấn Việt “xử lý”
không tì vết.
Rất nhiều người bạn của Hồng Vĩnh cũng
đã được biết đến Tuấn Việt qua một lần anh “giải nguy” cho đồng nghiệp.
Người nọ giới thiệu người kia, nhóm “khách hàng thân thiện” toàn là
phóng viên, nhà báo… bỗng dưng thành một list dày trong danh bạ điện
thoại của Tuấn Việt.
Linh Di, phóng viên một tờ báo điện tử
khá lớn trong làng báo Việt Nam là người chuyên mảng phóng sự, lấy vùng
núi, vùng sâu, vùng xa là… đích đến. Không ít lần, anh phải… bật khóc vì
những lỗi… máy ảnh dở chứng… giữa rừng: mang máy đi sửa thì không ai
dám nhận, bỏ về thì tiếc công sức, lại lỡ mất những loạt bài tâm huyết…
Bây giờ, chiếc Canon 50D của anh đã có
người chăm sóc: “Bất kể “nó” có hắt hơi sổ mũi, dở chứng này khác, mình
đều đưa đến cho “bác thợ 3B Bảo Khánh”. Những chuyến đi như được có “bảo
hiểm”. Thật sự biết ơn anh Tuấn Việt” – Linh Di kể. “Rất nhiều bạn bè
của mình công tác tại các cơ quan báo tỉnh, mình cũng cho họ địa chỉ đầy
tin cậy ấy, để yên tâm tác nghiệp. Thú thực, Tuấn Việt chính là “người
đứng sau” những tác phẩm ảnh báo chí mà bạn đọc hàng ngày, hàng giờ được
tiếp cận!”.
“Civil” của anh thợ tài hoa
Sinh năm 1974, Tuấn Việt nhập ngũ năm
1998 và được theo học lớp Trinh sát kỹ thuật. Trong thời gian đó, anh có
điều kiện làm quen với chiếc máy ảnh Zenis đời cũ của Nga. Những tháng
ngày tỉ mẩn với việc lau chùi ống kính chiếc máy cũ kỹ đó đã nhen nhóm
trong anh niềm đam mê bất tận. Chính anh cũng không ngờ, sau này, đam mê
đó đã trở thành nghề nghiệp, giúp anh có một cuộc sống ổn định theo
đuổi việc gắn bó với loại đồ chơi công nghệ này.
Sau khi ra quân, Tuấn Việt bắt đầu đi
học nghề điện tử Bách Khoa để tiếp cận với những kiến thức cơ bản về
điện tử viễn thông. Sau đó, anh tiếp tục theo học nghề sửa chữa máy ảnh
tại Trung tâm sửa chữa máy ảnh Hosuma trong 5 năm và ở lại đó làm việc
trong 5 năm tiếp theo.
Những người biết đến anh đã nhanh chóng
có được sự tin tưởng không chần chừ đối với Tuấn Việt: rất nhiều tay máy
ở Hà Nội máy móc có vấn đề gì, đích thân đưa đến 3B Bảo Khánh cho Tuấn
Việt, rồi yên tâm đi công tác để có thể cả tháng sau quay lại lấy máy tử
tế…
Những chuyện giản dị về “anh thợ” tài
hoa Tuấn Việt, đã được anh em làng báo yêu mến gọi anh là “người nổi
tiếng” trong… làng báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét