Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

VŨ TRỤ KHÔNG CẦN AI SÁNG THẾ

Vũ trụ không cần ai sáng thế
3:55, 30/04/2013


Vũ trụ rất có thể đã tự hình thành mà không cần tới bàn tay sáng thế của Thiên Chúa. Ở thời điểm hiện nay, các nhà vật lý đã đề xuất một số giả thuyết để giải thích sự xuất hiện của vũ trụ mà không cần sự can thiệp của thượng đế. Đó là ý kiến của Stephen Hawking, nhà thiên văn học nổi tiếng, một trong 10 thiên tài hàng đầu thời hiện đại.
Buổi giảng bài của Hawking tại Viện Kỹ nghệ Caliphornia ngày 16/4 vừa qua đã thu hút rất đông đảo người nghe và ngồi chật kín cả giảng đường rộng tới 10 nghìn chỗ.
Mặc dù đã ở tuổi “cổ lai hy” và từ lâu đã phải nằm bất động trên xe lăn nhưng Hawking cho tới ngày hôm nay vẫn tiếp tục hoạt động nghiên cứu khoa học rất tích cực. Ông đã bắt đầu bài giảng của mình tại Viện Kỹ nghệ Caliphornia bằng những thông tin tổng quan ngắn gọn về các lý thuyết khoa học về sự xuất hiện của vũ trụ. Cụ thể, ông đã nhắc lại việc trong những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với nhà toán học Anh lừng danh Roger Penrose (sinh năm 1931), ông đã chứng minh rằng, vũ trụ không thể “nổ tung” ra khi nó co lại như trước đây người ta đã phỏng đoán.
Chính ở trong giai đoạn đó, Hawking đã bỏ công ra nghiên cứu vấn đề xuất hiện của thế giới và đã phải nhận “tiếng chuông cảnh tỉnh” đầu tiên từ người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Đức Giáo hoàng là Gioan Phaolô II (1920-2005) đã bày tỏ thái độ chống lại việc nghiên cứu về sự xuất hiện của thế giới, nếu kết quả nhận được sẽ trái với điều mà các nhà thần học vẫn truyền bá về nó. Kể lại chuyện này, Hawking đã nói đùa: “Tôi đã cảm thấy rất mừng vì không bị đưa ra trước tòa án giáo hội”…
Sau khi sơ kết những kết quả nghiên cứu khoa học, thiên tài Hawking đã đặt ra một loạt những câu hỏi cho những ai là tín đồ của các lý thuyết về nguồn gốc thần linh của thế giới. Trong đó, ông nhấn mạnh: “Thế chúa đã làm gì trước khi tạo nên thế giới? Sắp đặt địa ngục để nhốt những ai sẽ đặt ra các câu hỏi như thế này ư?”.
Trước đây, Hawking hầu như không bao giờ nói thẳng về các quan điểm tôn giáo của mình. Tuy nhiên, ông luôn luôn cho rằng, con người, đó là đỉnh cao của sự tiến hóa và cần được hoàn thiện với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học kỹ thuật (như tự động hóa, liệu pháp gien….). Trong các cuốn sách của mình, Hawking thường sử dụng từ “chúa trời” để làm rõ hơn những điều mà ông trình bày.
Người vợ cũ của ông, Jan Wilde, trong quá trình xử ly hôn, đã khẳng định rằng, Hawking là một người vô thần nhất quán. Năm 2010, khi so sánh tôn giáo với khoa học, Hawking đã nhấn mạnh: “Có một sự khác biệt căn bản giữa tôn giáo, dựa trên những giáo điều và khoa học, dựa trên quan sát và tư duy lôgích. Khoa học sẽ giành được chiến thắng vì nó hoạt động”. Trong tác phẩm Ý niệm cao siêu, Hawking cho rằng, để có được vũ trụ không cần đến một người sáng thế: “Một khi đã tồn tại thứ như là trọng lực thì vũ trụ có thế và đã tạo ra chính nó từ không có gì. Một sáng tạo tự phát - đó là lý do tại sao vũ trụ tồn tại và tại sao chúng ta tồn tại. Không có nhu cầu nào về một Đức Chúa Trời đã “đốt cháy” ngọn lửa và khởi động vũ trụ”.
Tiến sĩ Stephen Hawking được trợ giúp đưa lên sân khấu thuyết trình bài “Nguồn gốc của vũ trụ”.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011, Hawking đã nói: “Tôi coi bộ não như một máy tính, nó sẽ ngừng hoạt động khi các linh kiện của nó hết hạn sử dụng. Không có thiên đường hay thế giới bên kia cho cái máy tính đã bị hỏng; đó chỉ là một câu chuyện cổ tích cho những người sợ bóng tối”…
Năm 2011, trong bộ phim truyền bá khoa học Curiosity làm cho kênh truyền hình Discovery, Hawking đã đặt ra câu hỏi: “Có phải chúa trời đã tạo ra vũ trụ?”. Ông khẳng định rằng, để sáng tạo vũ trụ  thì Thiên Chúa “không có thời gian,” kể từ trước khi vụ nổ Big Bang xảy ra, thời gian đã không hề tồn tại…
Tại Hội nghị Zeitgeist của Google trong năm 2011, Hawking cũng đã nói rằng “triết học đã chết.” Ông tin rằng triết học “đã không theo kịp với sự phát triển hiện đại của khoa học”, và các nhà khoa học đã trở thành những người mang ngọn đuốc dẫn đầu cho nhiệm vụ khám phá tri thức. Hawking tin vấn đề triết học có thể được trả lời bằng khoa học, đặc biệt là những lý thuyết khoa học mới sẽ dẫn chúng ta đến một hình ảnh mới rất khác về vũ trụ và vị trí của chúng ta trong vũ trụ đó…
Ở phần cuối bài giảng tại Viện Kỹ nghệ Caliphornia, nhà vũ trụ học thiên tài đặt ra quan điểm về việc cứu vớt nhân loại: “Chúng ta cần phải tiếp tục khám phá không gian vì tương lai của loài người. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ sống thêm được một ngàn năm nữa nếu rốt cuộc không chạy ra khỏi cái hành tinh mong manh này”.
Buổi giảng bài của Hawking ở Caliphornia đã rất được công chúng chú ý. Mặc dù chủ đề của nó hoàn toàn mang tính khoa học thuần túy nhưng những người muốn đến nghe vẫn rất đông và họ đã xếp hàng dài tới cả cây số rưỡi. Những người muốn có được một vé miễn phí vào nghe đã phải đứng xếp hàng từ 12 giờ trước đó. Trong hội trường với 1.000 chỗ ngồi chật ních những người đứng nghe vì không còn ghế ngồi nữa. Trong số những người không có may mắn được vào giảng đường đã có những người say mê Hawking đến mức sẵn sàng bỏ ra cả nghìn USD để mua một giấy ra vào. Tuy nhiên, đã không có ai bán giấy mời của mình cả, dù với bất cứ giá nào.
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, vào đúng ngày mà Galileo đã mất trước đó ba trăm năm.  Nhà khoa học thiên tài lớn lên như những đứa trẻ bình thường.  Hai năm cuối trong Trường Trung học St. Albans ở Oxford, Stephen đã rất thích thú với môn toán nhờ một người thầy tài hoa và giàu tính nghệ sĩ ở trường này. Tuy nhiên, cha ông, dược sĩ Frank Hawking, lại phản đối dự định trở thành nhà toán học của con trai vì muốn cậu phải vào ngành  hóa học. Nể và sợ cha nhưng vẫn giữ nguyên ham mê toán học của mình,  Stephen Hawking sau khi tốt nghiệp trung học đã vào ngôi trường mà cha đã từng theo học là Đại học Oxford. Tuy nhiên, trong trường này không có ngành toán, nên Hawking đã vào khoa vật lý và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó ông chuyển đến  Đại học Cambridge để tiếp tục theo đuổi luận án tiến sĩ về vũ trụ học…
Đúng trong giai đoạn đó, 50 năm trước đây, Stephen Hawking đã được chẩn đoán bị mắc chứng bệnh thoái hóa hệ thần kinh trung ương, thường được gọi là bệnh Lou Gehrig. Bệnh nhân gần như mất hết khả năng cử động và luôn luôn phải gắn chặt vào xe lăn. Hầu hết mọi người với chẩn đoán bệnh này hiếm khi sống hơn một chục năm. Ngay cả khi lay lắt sống, họ luôn trong tình trạng  khó thở, và cơ bắp suy yếu cho đến khi bất động.
Sau lần phẫu thuật cắt khí quản, Hawking chỉ có thể nói được nhờ một thiết bị phát âm gắn với một máy tính được ông gõ chữ vào đó. Khi đó, ít ai nghĩ rằng ông có thể sống được tới lúc hoàn thành luận án tiến sĩ.  Thế nhưng, ông không chỉ vẫn tiếp tục làm việc mà năm 1965, còn kết hôn với nữ sinh viên khoa ngôn ngữ Jane Wilde. Sự kiện này được chính Hawking đánh giá như một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Ở một mức độ không nhỏ, chính nhờ thế mà ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1966. Ông và Jane Wilde đã có một con gái và hai con trai…
Bảo vệ luận án tiến sĩ xong, Hawking  đã làm việc ở Viện Thiên văn học một thời gian rồi năm 1977, chuyển đến khoa Toán học ứng dụng và Vật lý lý thuyết của Cambridge. Đây cũng là nơi làm việc của ông cho tới ngay hôm nay… Năm 1970, Hawking trở thành thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia London.
Sau một ca phẫu thuật năm 1985, Hawking đã mất luôn cả khả năng nói và phải sử dụng máy tính có chương trình đặc biệt để giao tiếp với xung quanh.
Năm 1990, ông đã nhận một cô bé người Việt sinh năm 1980 là Nguyễn Thị Thu Nhàn, khi đó đang sống tại làng trẻ em SOS Hà Nội  làm con nuôi. Năm 1997, ông đã sang Việt Nam để thăm cô con gái nuôi của mình..
Năm 1990, Hawking đã li thân rồi li dị Jane Wilde.  Năm 1995, ông kết hôn với trợ lý chăm sóc cá nhân của mình là Elaine Mason. Đến tháng 10-2006, họ cũng đã ly dị…
Mặc dù mang bệnh hiểm, Hawking vẫn đã sống được tới hơn nửa thế kỷ và tiếp tục công việc nghiên cứu của mình. Khoa học hiện đại không thể nào lý giải được nguyên nhân của sự tồn tại kỳ diệu của Hawking

Phương Hà 
http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2013/4/56645.cand

 


        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét