Câu chuyện sử dụng phần mềm “chùa” một
lần nữa lại được đặt ra trong cuộc hội thảo diễn ra ngày 15.3 tại Cần
Thơ. Từ những chuyện lớn như sản xuất hàng hóa xuất khẩu đến “chuyện
thường ngày” như sử dụng Microsoft Office với giá chỉ 1.000 đồng.
Đối tượng chính của hội thảo lần này là các doanh nghiệp xuất khẩu tại ĐBSCL. Trong đó, “điểm nóng” là các doanh nghiệp xuất khẩu sang 2 bang Washington và Louisiana của Hoa Kỳ - nơi vừa thông qua Luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA).
Ông Trịnh Anh Tuấn – Trưởng ban Hợp tác quốc tế thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương – cho biết: Với việc thông qua UCA, các doanh nghiệp xuất khẩu sang 2 bang này, nếu bị phát hiện sử dụng các sản phẩm CNTT bất hợp pháp trong quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa sẽ bị phạt từ 20.000USD trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị tịch thu hàng hóa, bồi thường cho đối thủ cạnh tranh sử dụng phần mềm hợp pháp cũng như nhiều chi phí pháp lý khác. Đó là chưa tính đến các thiệt hại không định lượng được như: Mất thị trường do sản phẩm bị cấm lưu hành, giảm uy tín với đối tác, mất thời gian theo đuổi các vụ kiện,...
Công bằng mà nói thì UCA không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp CNTT mà còn góp phần tạo một sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu. Việc sử dụng phần mềm không hợp pháp sẽ giúp nhà sản xuất có một lợi thế nhất định về giá so với các doanh nghiệp phải bỏ chi phí đầu tư bản quyền một cách hợp pháp. Do đó, các chuyên gia dự báo, không chỉ ở Washington và Louisiana mà đạo luật này có thể sẽ tiếp tục được thông qua tại nhiều bang khác ở Hoa Kỳ.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam bởi nó làm tăng chi phí sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Anh Tuấn, một khi muốn “bơi ra biển lớn” thì nhất thiết phải học và tuân thủ “luật chơi” cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng theo ông Tuấn, nếu biết tận dụng cơ hội và tính toán đầu tư hiệu quả, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể biến bất lợi nhỏ từ rào cản UCA thành lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đến từ các quốc gia có mức độ tuân thủ luật sở hữu trí tuệ thấp.
Cũng tại hội thảo, đại diện Microsoft Việt Nam và các nhà phân phối cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc tính toán đầu tư xây dựng hệ thống CNTT một cách hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất.
Office giá 1.000 đồng và những băn khoăn...
Không chỉ doanh nghiệp, câu chuyện bản quyền phần mềm đối với người dùng cuối thật sự hâm nóng không khí hội thảo. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh chính sách cấp phép cũng như những ưu đãi về giá của các sản phẩm Microsoft dành cho thị trường có mặt bằng thu nhập thấp như Việt Nam.
Đại diện Microsoft và các nhà phân phối khẳng định các sản phẩm của mình tại Việt Nam đang áp dụng mức ưu đãi rất lớn về giá so với các nước khác. Tuy nhiên, bên lề hội thảo, nhiều đại biểu vẫn cho rằng mức giá “ưu đãi” này vẫn còn khá xa tầm với của người dùng cuối.
Đại diện Công ty Đông Nam Á – nhà phân phối các sản phẩm Microsoft – đã đưa ra dẫn chứng cụ thể trên bộ ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Microsoft Office. Theo tính toán này, với sản phẩm mới Office 365, người dùng Việt Nam chỉ phải bỏ ra chi phí chưa đến 1.000 đồng/ngày là có thể sử dụng tất cả các tính năng như một bộ Office Professional đang được bán với giá vài trăm USD.
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu tuân thủ bản quyền, người dùng không chỉ mua Office mà còn phải tốn thêm nhiều khoản khác. Chỉ tính riêng hệ điều hành, số tiền bỏ ra đã là không nhỏ so với mặt bằng thu nhập tại Việt Nam. Về điểm này, các nhà phân phối đề xuất người dùng nên mua các máy tính đã được cài đặt sẵn Windows hợp pháp để giảm chi phí.
Tuy nhiên, các đại biểu vẫn chưa hết băn khoăn. Thực tế là với đa số máy tính để bàn tại Việt Nam là do các doanh nghiệp trong nước lắp ráp, sản xuất. Mà các doanh nghiệp này không thể mua được giấy phép OEM (dành cho nhà sản xuất thiết bị gốc) của Windows để kéo giảm giá thành.
Lý do được đưa ra là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu "mạnh ai nấy làm" và thậm chí là có doanh nghiệp đã từng được cấp phép OEM, nhưng đã bị rút lại chỉ trong thời gian ngắn do không tuân thủ các quy định, điều kiện đã cam kết.
Như vậy, “quả bóng” trách nhiệm về bản quyền hệ điều hành đối với các máy tính sản xuất, lắp ráp trong nước lại được “đá” sang người dùng cuối. Doanh nghiệp chỉ việc lắp ráp các linh kiện lại với nhau và bán cho người dùng một thiết bị “trắng”. Chuyện móc hầu bao một khoản khá lớn để mua và cài đặt Windows hợp pháp hay tiếp tục sử dụng “lậu” là do người dùng tự quyết định. Còn nếu người dùng tuân thủ đầy đủ, chỉ mua những máy tính đã cài đặt hệ điều hành hợp pháp, thì sân chơi sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước.
Trở lại với chuyện cấp phép bản quyền của Windows, giá như các doanh nghiệp trong nước chịu liên kết và ngồi lại được với nhau, giá như Microsoft có những chính sách thoáng và cởi mở hơn, giá như đừng đặt người dùng vào tình thế lựa chọn giữa “tốn tiền” và “dùng chùa”,... thì cuộc chiến chống vi phạm bản quyền – ít ra là với Windows – đã có một kết quả tốt hơn.
http://laodong.com.vn/Sci-Tech/Microsoft-ve-mien-Tay-ham-nong-chuyen-ban-quyen/106098.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét