Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

GIẢI THÍCH Ý NGHĨA CỦA NHỮNG KÝ HIỆU TRÊN CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ

DSC_9885-411506256.jpg

Thông thường trên các thiết bị điện tử như smartphone hay tablet, chúng ta hay bắt gặp một số các ký hiệu khá lạ nằm ở mặt sau. Chắc hẳn đa phần người dùng sẽ lờ đi và không quan tâm nhiều lắm về ý nghĩa cuả chúng. Tuy nhiên đối với các nhà sản xuất, chuỗi ký hiệu trên thực sự rất quan trọng đối với họ bởi chúng đại diện cho các chứng nhận từ những tổ chức thương mại toàn cầu, cũng như các cơ quan thẩm quyền. Vì vậy, chỉ khi nào có đầy đủ dãy ký hiệu trên, chiếc smartphone/tablet đó mới được phép bán ra ngoài thị trường.

Để hiểu rõ vì sao dãy chữ tượng hình đó đóng một vai trò thiết yếu đối với những thiết bị công nghệ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của chúng.

xlarge.jpg
UL - viết tắt của chữ Underwriters Laboratories - là ký hiệu cho biết sản phẩm đã được chứng nhận về độ an toàn, được kiểm tra và phân tích chặt chẽ về mức độ nguy hại đến con người. Chứng nhận UL thường xuất hiện trên các thiết bị được bán ra tại Mỹ, Mexico và Canada. Hầu hết những đồ công nghệ được bán ra tại Bắc Mỹ như máy ảnh kỹ thuật số, headphone, màn hình OLED, đàn guitar điện đều phải được kiểm tra và cấp chứng chỉ UL nhằm đảm bảo chúng phù hợp với các quy định bảo vệ người tiêu dùng cũng như những thoả thuận quốc tế. Ký hiệu UL cũng được sử dụng bởi những tập đoàn bảo hiểm, nhằm cho khách hàng biết sản phẩm đó được chứng nhận hoạt động tốt trong điều kiện bình thường.

1.jpg

CSA - ký hiệu đại diện cho chứng chỉ được cấp bởi công ty CSA International, một công ty kiểm tra và chứng nhận độ an toàn của các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. Tại Mỹ và Canada, những vật dụng như đường ống dẫn nước, hệ thống HVAC (hệ thống điện lạnh), và những đồ điện tử khi có ký hiệu CSA, tức là chúng đã đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn thông thường.

2.jpg

FCC - ký hiệu rất quen thuộc đối với các bạn xài smartphone - đây là chứng chỉ được cấp bởi Uỷ ban Truyền thông Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Communications Commission). Ý nghĩa: cho biết thiết bị của bạn không phát ra mức sóng radio quá cao - có thể gây hại cho cơ thể con người và gây nhiễu loạn những đồ điện tử khác. Để có thể bán ra ngoài thị trường (hay được thương mại hoá), tất cả những thiết bị phát ra sóng vô tuyến phải đáp ứng các yêu cầu từ FCC.

Quy định của FCC phân chia các thiết bị phát sóng thành hai nhóm như sau:
  • Nhóm A bao gồm những máy sử dụng trong công nghiệp, hoạt động kinh doanh được thiết kế để sử dụng tại những vùng ngoài khu vực dân cư.
  • Nhóm B gồm tất cả những máy phổ biến có khả năng phát sóng như máy tính cá nhân, smartphone, tablet, máy in,...
3.jpg

CE - ký hiệu bắt buộc phải có trên những sản phẩm muốn được bán tại Liên minh Châu Âu. Cụ thể hơn, khi một thiết bị có ký hiệu CE trên máy, nó đã đáp ứng đủ tất cả các yêu cầu quy định để có thể bắt đầu bán tại các nước thành viên EU. Ngoài ra, với chứng chỉ CE, những đồ điện tử sẽ dễ dàng được vận chuyển, trao đổi và buôn bán qua lại giữa các nước trong EU.
*Bốn con số tiếp nối chữ CE cho biết công ty bên thứ ba nào chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp chứng nhận cho sản phẩm (các hãng sản xuất không được phép tự cấp chứng chỉ CE).

4.jpg

Ký hiệu dấu chấm than bên trong hình tròn này được biết đến với cái tên chính thức là CE R&TTE, cho biết sản phẩm đó đã vi phạm những quy định về mạng không dây của một số nước. Ví dụ, iPhone, thiết bị đã vi phạm quy định của Pháp về việc những máy có kết nối không dây khi sử dụng ở bên ngoài phải phát ra tần sóng radio nằm trong khoảng từ 2,4 GHz đến 2,454 GHz. Vì thế, iPhone được liệt vào nhóm 2 (do đó mặt sau của những chiếc iPhone thường có ký hiệu như trên). Các thiết bị có tần số radio nằm trong khoảng từ 2,4 - 2,454 GHz sẽ được liệt vào nhóm I và không có ký hiệu cảnh báo trên.

5.jpg

Ký hiệu này có tên là WEEE (Waste Electric & Electronic Equipment) - cho biết thiết bị công nghệ của chúng ta sẽ không thể vứt vào thùng rác như những đồ vật bình thường. Tất cả chúng đều có thể được tái chế tại những trung tâm tái chế đồ điện tử.

6.jpg

Đây là chứng nhận sản phẩm có đủ điều kiện để bán ra tại thị trường Đức. Chứng chỉ trên được cấp bởi tập đoàn TUV Rheinland (Chi nhánh ở Châu Âu của UL), xác nhận máy đáp ứng đủ những quy định khắt khe ở Đức.
7.jpg

CCC - China Compulsory Certificate - là chứng nhận sản phẩm công nghệ đó đáp ứng tốt hai chứng chỉ về độ an toàn ở Trung Quốc được cấp bởi CCIB (công ty quản lý độ an toàn của sản phẩm tiêu dùng trong nước) và hệ thống CCEE (cho biết thiết bị điện tử đó đủ an toàn để bán ra tại Trung Quốc). Hầu như tất cả vật dụng, hàng hoá (trừ lốp xe ôto và các công cụ nông nghiệp) nhập vào Trung Quốc đều phải có ký hiệu trên nếu như muốn lưu hành trên thị trường.

Theo Gizmodo
http://www.tinhte.vn/threads/1735243/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét