Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

ÔNG VÕ TÁ HÂN: TÔI MONG GỐC RỄ VĂN HÓA VÀ ĐẠO ĐỨC ĐƯỢC SÂU DÀY

 https://tuoitre.vn/ong-vo-ta-han-toi-mong-goc-re-van-hoa-va-dao-duc-duoc-sau-day-20230506113034985.htm

Trong ông là ba con người đều thành tài thành danh: Một ngân hàng gia quốc tế làm việc cho những tập đoàn lớn, người đã lên chương trình tặng sách khổng lồ lên tới trên 1 triệu cuốn cho Việt Nam, và cả nhạc sĩ guitar cổ điển tài hoa với hàng trăm bản nhạc, nhất là những bản nhạc phổ kinh Phật.

TS Nguyễn Xuân Xanh nhận xét về ông: "Nói theo ngôn ngữ của thời khai sáng thế kỷ 18, ông Hân là người tặng ánh sáng cho Việt Nam. Sách là ánh sáng, giúp con người khai trí, mở mang đầu óc, nhìn thấy thế giới. Ông Hân có lẽ là người quyên nhiều sách nhất cho một đất nước".

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng ông trong tháng 4 này.

Chúng ta hãy trở lại một dấu mốc: bản kiến nghị 10 trang mang tên "Singapore - Vietnam / A Proposed Strategy For Business Development" mà ông hoàn thành ngày 6-2-1992 và trình lên ông Lý Quang Diệu, mở ra một chương bang giao kinh tế thương mại tích cực giữa hai nước.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 1.

- Đó là kết quả nhiều năm tôi sống và làm việc bên Singapore, trực tiếp quản lý và tư vấn cho các tổ chức và doanh nghiệp ở đó, đồng thời là chủ tịch Hội Doanh nghiệp Canada tại Singapore (sau này là Phòng Thương mại Canada)...

Tôi được mời tham gia tổ tư vấn 25 người cho Chính phủ Singapore về mô hình Singapore 2000, trước khi đất nước này bước vào thiên niên kỷ mới.

Dạo ấy tuy Singapore vẫn còn duy trì chính sách cấm vận với Việt Nam, tôi được yêu cầu viết một bản tư vấn chiến lược về quan hệ với Việt Nam.

Trong kiến nghị, tôi nêu ra 10 điểm có lợi cho Singapore khi nối lại bang giao với Việt Nam, lĩnh vực nào mà hai bên có thể hợp tác, đặc biệt nhấn mạnh rằng muốn đầu tư vào Việt Nam thì Singapore phải nhanh tay trước các nước khác.

Thời gian này, tôi cũng tổ chức nhiều buổi seminar giới thiệu cơ hội hợp tác với Việt Nam trong các lãnh vực thương mại, ngân hàng, bất động sản, tin học..., giúp mang Việt Nam đến với Singapore khi các doanh nhân của đảo quốc này còn chưa được phép đặt chân đến Việt Nam.

Trong số những công ty tôi đưa về Việt Nam, tôi tâm huyết nhất là Unilever bởi đã quan sát kỹ cách họ làm tại các nước khác và thấy được cách đi bền vững, lại chú trọng đến đào tạo, huấn luyện nhân lực, sử dụng nguồn nguyên vật liệu và phát triển thị trường nội địa.

Bản kiến nghị kết thúc với 10 đề nghị cụ thể như khuyến khích kết nối các cơ quan cao cấp của nhà nước hai bên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý mô hình Singapore, cấp học bổng cho sinh viên học sinh Việt Nam sang du học tại Singapore. Nói chung thì tất cả đều được thực hiện!

Trước đó, cuối năm 1991, ông giúp đoàn của Cục Phát triển thương mại Singapore chính thức đến Việt Nam lần đầu. Chuyến thăm mang lại điều gì đặc biệt vào bối cảnh đó?

- Thực ra chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên là vào đầu năm 1988, tôi đưa một đoàn doanh nghiệp Canada về, nhưng lần đó chỉ gồm vài công ty. Cục Phát triển thương mại Singapore là phái đoàn chính thức của Nhà nước Singapore gồm nhiều tập đoàn tư nhân và công ty thuộc quỹ đầu tư Temasek của chính phủ.

Trước chuyến đi, phía Singapore tỏ ý lo ngại vì quan hệ giữa chính phủ hai nước không mặn mà cho lắm. Tuy nhiên chuyến thăm Việt Nam đã được phái đoàn xem là thành công ngoài mong đợi. Tất cả đều đánh giá cao và chờ đợi mối bang giao giữa hai nước được bình thường hóa để bắt tay ngay vào việc.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 2.

Trước đó tôi cũng đã đưa Singapore Airlines về Gia Lâm năm 1989 để ký bản ghi nhớ chuẩn bị cho đường bay Việt - Sing, giúp các tập đoàn Keppel, Singapore Land vạch sẵn kế hoạch đầu tư bất động sản.

Vài tháng sau chuyến thăm cuối năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Singapore vào tháng 4-1992 để ký kết hiệp ước đầu tư song phương.

Năm 1994, Vietnam Airlines bắt đầu bay vào Singapore và đến 1996 thì Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tiên được khởi công.

Vào thời điểm đó, ông nhìn thấy con đường nào cho Việt Nam và mong mỏi gì cho quê hương? Từ đó đến nay, ông thấy Việt Nam có đi trên con đường mà ông hằng mong đó không, và đã đạt được cũng như bỏ lỡ những gì?

Bước sang giai đoạn đổi mới thì việc đầu tiên cần quan tâm là phát triển kinh tế. Trong các nước Đông Nam Á, Singapore tuy là nước nhỏ, ít dân, không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng đã biết khéo léo thu nhận làn sóng văn minh phương Tây, trở nên tiến bộ vượt bậc trong một thời gian ngắn.

Ngay từ buổi họp với phái đoàn ông Phan Văn Khải thăm Singapore năm 1988, tôi đã đề nghị Việt Nam nên chọn Singapore làm mô hình phát triển kinh tế.

Dĩ nhiên không thể áp dụng một cách máy móc, nhưng những thành quả từ "ống nghiệm" kinh tế Singapore có thể nhân bản gấp trăm lần hơn cho Việt Nam, miễn là khi áp dụng có thay đổi cho thích hợp, nhất là chú ý tới đặc thù văn hóa và tính cách con người.

Từ những ngày hai nước còn "nhìn nhau xa lạ", đến việc Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam 3 năm qua, là một hành trình dài và đúng hướng trong mối hợp tác giữa hai quốc gia như hằng mong đợi. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua trong giai đoạn sắp tới, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất an hiện tại.

Là một cố vấn cho Nhà nước Việt Nam về vấn đề đổi mới, trải rộng rất nhiều lĩnh vực, nổi bật là tư vấn về lựa chọn và xây dựng mô hình kinh tế, giúp các địa phương... Các lời khuyên của ông được lắng nghe và ứng dụng hiệu quả nhất trên những lĩnh vực nào?

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 3.

Năm 1973, tôi viết luận án thạc sĩ tại Viện đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) với đề tài "Khu chế xuất và Việt Nam sau chiến tranh". Sau chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 1988, tôi đã tóm lược và xuất bản luận văn thành sách.

Đầu năm sau, sách được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước dịch thành tập tài liệu trong tổng luận "Kinh tế đối ngoại". Ý chính của luận án là sau khi chiến tranh chấm dứt, hai vấn đề trăn trở cho Việt Nam sẽ là tạo công ăn việc làm cho người dân và tìm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Khi chúng ta đang chập chững chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường thì khu chế xuất là mô hình thích hợp.

Trong chuyến đi của Cục Phát triển thương mại Singapore năm 1991, trước khi rời Hà Nội, tôi và vị tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Singapore được hỏi ý kiến về dự định xây nhà máy lọc dầu của Việt Nam.

Tôi chỉ khuyên là tại thời điểm ấy hãy khoan tính chuyện xây nhà máy lọc dầu, nên gửi dầu thô sang Singapore để lọc, còn trước mắt cần xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, tạo ra trục xương sống để phát triển kinh tế và giao thương.

Ngoài ra là những gợi ý khác như không nên phát triển đồng bộ 55 tỉnh thành cùng lúc, mà dồn năng lực vào 5 trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.

Sau đó, chính những đầu tàu này sẽ trực tiếp giúp các tỉnh khác phát triển hiệu quả hơn. Xa hơn, để giúp nhanh chóng phát triển các tỉnh "đòn gánh" miền Trung, Nhà nước có thể miễn thuế cho các công ty được thành lập trong vùng.

Với TP.HCM, tôi đưa ý kiến phát động chương trình "Giữ gìn thành phố sạch đẹp" cùng Sài Gòn Tourist, gợi ý giữ trung tâm Sài Gòn lại như một "thành phố cổ" có khả năng thu hút du khách quốc tế trong tương lai và xây dựng đô thị hoàn toàn mới ở Thủ Thiêm.

TP.HCM rồi cũng sẽ mở rộng theo đà phát triển kinh tế, nên thay vì nới rộng Tân Sơn Nhất, hãy đưa phi trường ra xa thành phố.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 4.

Với các dự án đầu tư nước ngoài mà đối tác trong nước cần góp vốn thì áp dụng mô hình 70/30, mà phần 30% đóng góp của trong nước được tính từ tiền thuê đất trả trước trong nhiều năm...

Đấy chỉ là vài góp ý của một người ở nước ngoài với những hiểu biết thiếu sót về "địa lợi", dĩ nhiên là có những ý kiến có vẻ "không tưởng", chưa thể hoặc không thể áp dụng được lúc bấy giờ.

Ông là một chuyên gia kinh tế tài chính, đứng đầu những tập đoàn và tổ chức rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, quản trị kinh doanh và giáo dục. Đâu là những điều quan trọng nhất mà một sự nghiệp như vậy mang lại cho ông?

Ồ, tôi cũng chỉ là người làm công cho những tập đoàn lớn, may mắn được giữ những chức vụ ấy chứ nào có phải người sáng lập một tập đoàn, tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu người đâu mà đáng để hãnh diện.

Trong thời gian làm việc với các đối tác trong nước, tôi đã gặp những người tài ba lỗi lạc, nhưng chỉ không may mắn có được cơ hội để thi thố tài năng. Tôi chỉ là người rất may mắn hơn nhiều người khác mà thôi!

Ông cũng là người viết những bài báo thiết thực, gần gũi, dễ hiểu phân tích về quản lý tài chính trong nước, quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn cách vay vốn, cách thương thảo hợp đồng, các tập quán kinh doanh ở nước ngoài… Điều gì thôi thúc ông viết?

Trong thời chiến thì đất nước cần những tay súng, nhưng trong thời bình thì các "chiến sĩ" chính là những "doanh nhân", chiến trường là thương trường.

Tôi chủ trương viết những bài báo thiết thực, ngắn gọn và dễ hiểu chính là để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm giúp lớp doanh nhân này khi họ mới xắn tay áo bước vào thương trường, còn đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của một nền kinh tế, cũng chính là từ kinh nghiệm quản lý, điều hành, lèo lái những con thuyền nhỏ này mà doanh nhân Việt Nam sẽ vươn lên, xây dựng những tập đoàn hùng mạnh, làm giàu cho bản thân và đất nước! Giản dị chỉ có thế!

Ông đã chứng kiến nhiều đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực. Giờ đây là một giai đoạn khủng hoảng nữa đang diễn ra với một giới doanh nhân đang đối diện với bất định của thị trường và cả chính sách. Ông có những lời khuyên gì cho các vị chủ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Trong thời gian làm việc ở Singapore, tôi đã trải qua 3 đợt khủng hoảng kinh tế khiến con thuyền Singapore chới với, và cũng đã viết rất nhiều để chia sẻ kinh nghiệm giải cứu những công ty mà tôi trực tiếp trải nghiệm.

Tuy nhiên giờ đây vì đã về hưu, không còn theo dõi và nắm vững hoàn cảnh thực tại, nên khó có thể đưa ra những đề nghị phù hợp cho các doanh nhân trong nước.

Thêm nữa, so với 30 năm trước, ngày nay chúng ta đã đào tạo được nhiều chuyên gia kinh tế tài chính lỗi lạc và những doanh nhân lão luyện, hiểu biết về tình hình nội địa. Chính đây mới là những người có thể đưa ra lời khuyên thiết thực nhất.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 5.
Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 6.

Khi nói tới chuyện hợp tác làm ăn với một đất nước, ông nhấn mạnh rằng phải lưu ý tới văn hóa và đặc thù quản trị của đất nước ấy. Vì sao ông lại nhấn mạnh khía cạnh văn hóa?

Việc phát triển một đất nước không phải để nhắm vào mục tiêu duy nhất là thu nhập bình quân trên đầu người. Nào có gì hay khi đất nước sản sinh ra một lớp trẻ chỉ biết vọng ngoại, thích nói tiếng ngoại quốc, mơ sống ở nước ngoài và quay lưng lại với người dân và đất nước mình.

Văn hóa do đó chính là yếu tố giúp những người trẻ gắn bó với quê hương đất nước. Trong những năm cuối đời, người cha già dân tộc Singapore, ông Lý Quang Diệu, tỏ ý hối tiếc là đã thúc đẩy phát triển kinh tế quá nhanh khiến người trẻ Singapore dường như mất gốc, không hề biết đến hai chữ "đất mẹ" là gì.

Người Việt Nam ta có một truyền thống văn hóa từ ngàn đời, sâu dày và gắn bó, đó là lợi thế rất lớn. Những chương trình như Mùa hè xanh cũng đã giúp lớp trẻ gắn bó với quê hương để sau này dù họ có đi đâu xa cũng hướng về đất mẹ.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng ngày càng gia tăng.

Mỗi người Việt khi rời xa quê hương đều mang theo hình ảnh Việt Nam vào thời điểm họ ra đi, người thì cho là hình tam giác, người hình tròn, người lại hình vuông, để rồi cùng có những cái nhìn sai lệch, cứng nhắc về đất nước.

Những lần về thăm quê nhà vào dịp lễ Tết, những chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam đã giúp kiều bào liên tục cập nhật tình hình để có cái nhìn chung về đất nước, xích lại gần nhau hơn. Những kết nối văn hóa ấy đặc biệt quan trọng cho kiều bào vì họ sẽ là những cánh tay Việt Nam nối dài.

30 năm phát triển đã đưa đất nước lên một trình độ cao hơn, từ lãnh vực kinh tế bước qua phát triển văn hóa, nay thiết nghĩ đến lúc chúng ta nên hướng đến việc phát huy đạo đức.

Trong kinh doanh thì bí quyết "làm giàu" có thể thâu gọn trong 8 chữ "Mua rẻ - Bán đắt - Trả chậm - Đòi nhanh!".

Thế nhưng mua những thứ rẻ tiền độc hại để bán kiếm lợi nhuận lớn thì không thể gọi là thành công mà là một việc vô đạo đức. Các doanh nhân không nên đợi đến lúc thành đạt rồi mới nghĩ đến "đạo đức kinh doanh", mà việc vun trồng đạo đức và văn hóa phải bắt đầu từ sớm, từ những đứa trẻ.

Những bài học nhân nghĩa lễ trí tín từ ngày còn bé đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí và cách hành xử của mọi người cho đến lúc bạc đầu.

Khi sáng lập VN2020 - "sân chơi" của giới trí thức, chuyên gia trẻ Việt Nam tại Singapore vào năm 2007, ông kỳ vọng những sinh viên Việt Nam được giáo dục đàng hoàng, giỏi nghề, tiếng Anh thông thạo này sẽ là một lực lượng "nội công kinh tế" cho các công ty trong nước về sau. Từ đó đến nay, kỳ vọng này đã thành hiện thực chưa, thưa ông?

Chương trình VN2020 phát triển rất mạnh trong khoảng một thập niên khi Singapore cấp rất nhiều học bổng đại học để thu hút nhân tài Việt Nam.

Tuy nhiên chương trình này sau đó đã gặp phải sự chống đối của dân bản xứ vì cho rằng nhà nước đã quá ưu đãi nhân tài nước ngoài, làm thiệt hại đến công ăn việc làm của người dân Singapore.

Thế là số học bổng dành cho du học sinh Việt Nam bị rút bớt rất nhiều, chương trình VN2020 sau đó cũng chấm dứt. Một số thành viên VN2020 đang ở lại làm việc tại Singapore đã chuyển nhóm thành Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore còn hoạt động cho đến nay.

Tôi rất vui khi thấy các cựu thành viên VN2020 trước đây đã thành tài, trở về nước giữ những chức vụ quan trọng, tạo ảnh hưởng tốt trong lãnh vực chuyên môn. Dù ở vùng trời nào thì các em vẫn nặng lòng hướng về giúp đất nước bằng cách này hay cách khác.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 7.

Điều gì thôi thúc ông bỏ vào vali 10 quyển sách để mang về Việt Nam những năm Việt Nam còn bị cấm vận, từ đó khởi đầu một chương trình tặng sách chưa từng có cho Việt Nam? Và hành trình mang sách về Việt Nam sau đó tiếp diễn như thế nào?

Lần đầu tiên trở về Việt Nam năm 1988, từ đất nước Singapore thịnh vượng về Sài Gòn chỉ cách hơn một giờ bay, lúc ấy còn vắng lặng, trơ trọi, tôi thật ngỡ ngàng.

Đi dạo khu vực trung tâm Sài Gòn và ghé vài hiệu sách, tôi bàng hoàng khi thấy số lượng sách nghèo nàn quá. Trên chuyến bay rời Việt Nam khi ấy, tôi không cầm được nước mắt, suốt một thời gian dài sau đó tôi cứ liên tục suy nghĩ phải làm gì để giúp đất nước.

Nếu đến gặp ông Lý Quang Diệu lúc ấy để cầu mong Singapore giúp đỡ thì có lẽ người ta sẽ bảo mình điên. Cuối cùng chỉ có chính mình mới có thể tự cứu giúp mình.

Thế là tôi nảy ra ý định quyên sách về cho Việt Nam. Bắt đầu với một lá thư xin sách để gửi về Việt Nam tặng Viện Kinh tế Hà Nội và Viện Kinh tế Sài Gòn, tôi nhân bản lá thư ấy gửi đến 100 địa chỉ, từ MIT, Harvard, World Bank cho đến các nhà xuất bản lớn.

Nhận được 1.500 quyển đầu tiên rồi từ đó tôi làm quen với Nhà xuất bản Simon & Schuster/Prentice Hall, dần dần mua được sách với giá rẻ, cứ mỗi lần vài chục nghìn quyển, gửi về nước theo từng container.

Nhiều năm sau, khi liên lạc với người bạn thân làm giám đốc Nhà xuất bản Irwin ở New York, tôi lại mua được gần nửa triệu quyển chuyển sách về ĐH Quốc tế trong 40 container lớn để phân phối đến các đại học khác.

Với Nhà xuất bản World Scientific, do là chỗ thân quen nên tôi được họ tặng sách miễn phí từ hơn 20 năm qua, chỉ trả chi phí vận chuyển, tính ra cũng được hơn chục container.

Từ những nơi khác như trường trung học Singapore Polytechique, Singapore Institute of Management, Nhà xuất bản Mc GrawHill, PW Medical..., tôi cũng quyên thêm được vài ba chục nghìn cuốn.

Hiện tôi còn hơn 30.000 quyển từ World Scientific dự định sẽ mang về trong tháng 5 tới.

Tìm được sách rồi thì kế đến là làm sao để chuyển số sách ấy về nước cho an toàn và ít tốn kém.

Nhập sách vở cũng không khác gì nhập một món hàng ngoại, cũng phải qua nhiều cửa ải, từ xin giấy phép kiểm duyệt của Sở Văn hóa, giấy phép miễn thuế nhận hàng viện trợ không hoàn lại của Sở Tài chính, tới lo giấy tờ khai báo hải quan cửa khẩu...

Nên khi sách đến được đúng nơi, an toàn, như ý muốn thì lòng tôi luôn rộn lên một niềm vui khó tả.

Tôi đang tiến đến quyên sách điện tử. Món quà đầu tiên là 500 quyển ebook do World Scientific tặng thư viện ĐH Bách khoa TP.HCM đầu tháng 4 này.

Tôi mong tương lai chúng ta sẽ có một nhà xuất bản có thể phát hành sách vở khoa học, bắt đầu là mảng toán học, để phổ biến bằng tiếng Anh ra toàn cầu.

Khi chọn sách để đưa về nước với mục đích giúp đất nước phát triển, tôi chỉ chọn sách khoa học kỹ thuật mà thôi.

Ông thường đọc loại sách nào? Ông có cuốn sách mà mình đặc biệt yêu thích không ạ?

Những loại sách mà tôi yêu thích thay đổi tùy theo thời điểm. Ngày còn trung học, tôi hay đọc về khoa học phổ thông, lịch sử, hồi ký vĩ nhân, nhất là những quyển sách của cụ Nguyễn Hiến Lê.

Sau khi ra nước ngoài thì tôi thích đọc sách nghiên cứu khoa học, triết lý. Từ trước khi về hưu đến nay thì tôi may mắn được giúp anh bạn Hoang Phong Nguyễn Đức Tiến ở Paris hiệu đính tất cả bài của anh ấy viết về Phật giáo dịch từ Anh hay Pháp ngữ, tác giả Hoang Phong đã xuất bản hơn 30 đầu sách Phật giáo suốt hơn 20 năm qua.

Ngoài ra, tôi cũng đọc nhiều sách về âm nhạc, thu thập nhiều tài liệu để viết sách giảng dạy về đề tài này.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 8.

Ông đã sáng tác hơn 800 ca khúc, phổ nhạc nhiều bộ kinh Phật, phát hành hàng chục CD. Âm nhạc nói chung, âm nhạc Phật giáo nói riêng có ý nghĩa như thế nào với ông?

Tôi sinh ra trong một gia đình Phật giáo thuần thành, ông nội tôi từ khi còn là Tuần vũ Kon Tum rồi Tổng đốc Quảng Ngãi, đi đến đâu cũng lập chùa.

Tôi thấy bên Thiên Chúa coi trọng âm nhạc trong khi bên Phật giáo thì không chú ý điều này nên đã cố gắng sáng tác những nhạc phẩm Phật giáo.

Khi phổ nhạc những bộ kinh như A Di Đà hay Phổ Môn, tôi làm trước hết là để chính mình hiểu được ý nghĩa các bộ kinh, sau đó để phổ biến những lời Phật dạy đến đại chúng. Tới nay tôi đã phổ nhạc 9 bộ kinh Phật, mà trong đại dịch Covid, Trường ca Kinh Dược sư đã được rất nhiều người nghe.

Tôi mong sẽ có các ca đoàn Phật giáo, với sự tham gia của các thanh thiếu niên, đưa âm nhạc vào chùa để hát lên những bài hát từ bi, cổ xúy tình yêu gia đình, quê hương trong sáng.

Tôi tin rằng đó là một cách dạy con trẻ tốt, chuyển tải những bài học về tình yêu và sự gắn kết gia đình, đạo đức trong xã hội.

Xuất thân từ Trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tôi đã tha thiết giúp phong trào guitar cổ điển ở Việt Nam từ ba thập niên qua và rất vui khi thấy cộng đồng tây ban cầm ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trong đó việc Thu Lê trở thành một nữ danh cầm guitar nổi tiếng thế giới là một niềm hãnh diện cho Việt Nam nói chung!

Tôi không có tài làm thơ và viết lời ca, nên chọn con đường phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ.

Điều may mắn nhất là nhạc phẩm Rất Huế trong CD đầu tay đã lọt vào mắt xanh của cố nhạc sĩ Phạm Duy và được đại nhạc sĩ phán một câu bất hủ: "Nhạc Võ Tá Hân trong tập nhạc này thật tuyệt vời!".

Thế là từ đó trở đi không mấy người biết đến tôi với tư cách dân làm ngân hàng quốc tế nữa, cứ gọi tôi là "nhạc sĩ". Ban đầu nghe cũng ngại quá, nhưng thôi đành... chịu vậy!

Theo ông, Phật giáo, âm nhạc Phật giáo, văn hóa Phật giáo sẽ có vai trò gì và ảnh hưởng đến mức nào với tương lai của Việt Nam?

Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn đến Phật giáo Nhật Bản sẽ thấy ảnh hưởng văn hóa và sức mạnh thiền đã mang lại cho đất nước Phù Tang một nền tảng nội tâm sâu vững như thế nào.

Cấp lãnh đạo Việt Nam dường như cũng ý thức được sức mạnh này để giúp hướng tới một nền tảng văn hóa tinh thần bền vững và trong sạch.

Ông vẫn thiền định hằng ngày?

Tôi may mắn được học yoga và thiền định từ cha tôi từ năm 12 tuổi, sau đó được học thêm về thiền với một vị đại sư ở Singapore. Đến giờ tôi vẫn thiền mỗi ngày. Thân phụ tôi với bút hiệu Kim Hoàng Sơn cũng là người sáng lập ra môn phái Cảm xạ học ở Việt Nam từ thập niên 1960.

Nếu hỏi tôi lấy đâu ra sức mạnh để làm ngần ấy việc trong cuộc đời, trước hết tôi cần cảm ơn rất nhiều vị thầy từ cha tôi đến những người thầy trong trường học, ngoài đời lẫn trong sách, đặc biệt là các cụ Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần.

Tuy nhiên, sức mạnh nội tâm chính vẫn là từ thiền mà ra. Nếu không giữ cho tâm mình được vững vàng, chúng ta khó mà trụ được để bình thản đi qua bao sóng gió cuộc đời.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày - Ảnh 9.
 
CẦM PHAN
 
VÕ TÂN

 

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

HƯỚNG DẪN LẤY LẠI MẬT KHẨU WI-FI LỠ QUÊN TRONG HỆ ĐIỀU HÀNH WINDOWS

 Sẽ có những lúc chúng ta nhất thời quên mất mật khẩu mạng không dây, hoặc cũng có thể chủ nhà đã đăng nhập giùm vào laptop chẳng hạn, làm thể nào để có thể biết được dãy ký tự ẩn kia là gì? Trong bài này, mình chia sẻ với anh em cách để lấy lại được mật khẩu Wi-Fi bằng 1 máy tính đang có kết nối với mạng không dây đó.




Khi anh em đang là chủ máy tính và sử dụng tài khoản có quyền quản trị (administrator) thì mọi chuyện tương đối đơn giản. Đầu tiên, anh em truy cập vào Network and Sharing Center bằng những cách sau:

wifi-passwork-windows-tinhte-7.PNG

Với Windows 10 trở lên, anh em nhấn phải chuột vào biểu tượng mạng ở góc dưới bên phải, khu vực đồng hồ, nếu không thấy, anh em nhấn vào dấu mũi tên lên để xổ ra danh sách các biểu tượng ẩn. Ở menu chuột phải, chọn Open Network & Internet settings. Từ cửa sổ mới, chọn Network and Sharing Center.

wifi-passwork-windows-tinhte-8.jpg

Cách khác là anh em nhấn Start, gõ vào “Network...” rồi chọn Network status, cửa sổ tương tự cũng sẽ hiện ra và anh em tiếp tục chọn Network and Sharing Center.

wifi-passwork-windows-tinhte-6.PNG
wifi-passwork-windows-tinhte-5.PNG

Cách khác nữa là anh em sử dụng Control Panel, cũng nhấn Start rồi gõ “Control...”, chọn Control Panel, trong cửa sổ mới chọn View network status and tasks nếu đang sắp xếp theo Category, ngược lại sắp xếp theo Large/Small icons thì chọn thẳng vào Network and Sharing Center là được.

wifi-passwork-windows-tinhte-1.PNG
wifi-passwork-windows-tinhte-2.PNG

Tại cửa sổ Network and Sharing Center, anh em nhấn vào mạng Wi-Fi đang sử dụng, hệ thống sẽ mở 1 cửa sổ nhỏ mới, hiển thị thông tin chi tiết về kết nối này. Trong đó anh em nhấn vào Wireless Properties, ở cửa sổ mới lại chuyển qua tab Security và đánh dấu vào Show characters. Khi đó, Network security key sẽ hiện ra đầy đủ.


Trường hợp anh em không có quyền admin với máy tính, có thể do đang sử dụng tài khoản khác, hoặc là máy của công ty cấp... anh em vẫn có thể tìm lại mật khẩu Wi-Fi dễ dàng. Cách này thậm chí còn mạnh hơn cách trên, ít phải click chuột mà chỉ cần gõ bàn phím. Không chỉ vậy, sử dụng phương pháp này không yêu cầu anh em phải đang kết nối với mạng cần tìm lại mật khẩu như cách trên, nhưng dĩ nhiên, cả 2 cách đều cần phải kết nối thành công ít nhất 1 lần.


wifi-passwork-windows-tinhte-12.PNG

Để sử dụng, anh em cần mở cửa sổ dấu nhắc đợi lệnh Command Prompt bằng cách nhấn Start, gõ cmd và Enter, hoặc nhấn tổ hợp phím Windows + R, gõ cmd rồi Enter.

wifi-passwork-windows-tinhte-9.PNG
wifi-passwork-windows-tinhte-10.PNG

Ở cửa sổ Command Prompt, anh em gõ lệnh “netsh WLAN show profiles name=SSID key=clear” (không có ngoặc kép) rồi nhấn Enter. Anh em thay cụm SSID bằng tên của mạng Wi-Fi cần tìm lại mật khẩu, lưu ý gõ đúng chính xác tên mạng. Sau khi Enter, hệ thống sẽ trả kết quả về với mật khẩu nằm ở mục Key Content trong nhóm Security settings.

wifi-passwork-windows-tinhte-11.PNG

Những câu lệnh thực hiện trong Windows rất lợi hại và thú vị, nó khiến mình nhớ lại thời xưa khi còn thao tác trên nền MS-DOS cùng với Norton Commander. Với nội dung bài này cũng vậy, anh em có thể ra lệnh để hệ thống liệt kê ra tất cả những mạng Wi-Fi mà máy đã từng kết nối bằng lệnh “netsh WLAN show profiles”. Anh em có thể dựa vào kết quả trả về này để copy - paste tên SSID cho không bị sai, hoặc tìm lại mật khẩu những mạng không dây khác. Ngoài ra, câu lệnh “netsh WLAN delete profile name=SSID” cho phép xóa hết tất cả thông tin về 1 mạng không dây nào đó mà anh em muốn.

Chúc anh em vui và dễ dàng chia sẻ mật khẩu Wi-Fi với em hàng xóm nhé.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

HAI VỤ KIỆN TÒA ÁN TỐI CAO MỸ ĐANG XỬ LÝ CÓ THỂ THAY ĐỔI HOÀN TOÀN INTERNET MÀ CHÚNG TA BIẾT

 


Mon Coeur
20 giờBình luận: 54
Hai vụ kiện tòa án tối cao Mỹ đang xử lý có thể thay đổi hoàn toàn Internet mà chúng ta biết
Tòa án tối cao Mỹ đang tiếp nhận hai vụ kiện liên quan đến Google, Twitter và các công ty Internet hàng đầu của Mỹ. Cáo buộc trong các vụ án này từng được bác bỏ trong những cấp tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm nhưng tòa án tối cao Mỹ đã đồng ý lắng nghe lại các vụ án này. Chúng ta sẽ có một vụ kiện riêng rẽ của Google và một vụ kiện của Twitter nhưng chúng đều liên quan đế các đạo luật chống khủng bố và đặc biệt là điều luật 230, điều luật luôn được các công ty Internet Mỹ viện dẫn để bảo vệ bản thân mình khỏi các cáo buộc.

Vụ kiện Google và Twitter
Đây là những vụ kiện rất dài và phức tạp, đã diễn ra nhiều năm nay nên mình chỉ tóm tắt sơ qua để các bạn hiểu. Vụ đầu tiên là Gonzalez với Google, cho rằng các thuật toán của YouTube đã giúp tổ chức khủng bố ISIS chia sẻ các video và tuyển thêm thành viên, từ đó Google phải phần nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công hồi năm 2015 ở Paris làm chết 130 người, trong đó có sinh viên đại học Nohemi Gonzalez. Vụ kiện này là do gia đình Gonzalez và các nạn nhân khác của vụ khủng bố đưa lên theo đạo luật chống khủng bố của Mỹ.

Chi tiết hơn, bên nguyên đơn trong vụ kiện cho rằng Google (YouTube) đã khuyến cáo các nội dung ISIS cho người dùng, cho phép họ tìm các video khác từ các tài khoản của ISIS. Đồng thời, Google cũng cho phép chạy quảng cáo trên các video ISIS, từ đó chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các tổ chức khủng bố, chịu trách nhiệm trực tiếp vào việc hỗ trợ khủng bố quốc tế.

Đại diện Google nói rằng họ không chịu trách nhiệm cho những nội dung mà người dùng tạo ra, cũng như họ không có khả năng lọc và kiểm soán toàn bộ các nội dung bất hợp pháp trên những nền tảng của họ. Đồng thời lo ngại những đe dọa từ việc chịu trách nhiệm pháp lý có thể tạo ra những rào cản nghiêm ngặt với các hoạt động online.

QUẢNG CÁO


Vụ việc thứ hai là Twitter với Taamneh, cũng tương tự vụ việc Google nhưng nó liên quan đến hành vi khủng bố của ISIS vào Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ làm 29 người thiệt mạng. Toàn án tối cao Mỹ sẽ quyết định xem liệu các nền tảng online có phải chịu trách nhiệm cho những quảng cáo hướng đối tượng hay các thuật toán phát tán nội dung bị dùng cho mục đích xấu trên nền tảng của họ hay không.

Trên thực tế, toàn bộ các công ty công nghệ điều viện dẫn điều luật 230 để bảo vệ họ khỏi những vụ kiện tương tự, đã xảy ra rất nhiều trong quá khứ.

Điều luật 230 là gì
Mình xin phép dẫn lại bài viết cũ, có lọc bớt để các bạn dễ theo dõi hơn. Bạn nào muốn tham khảo lại có thể xem thêm ở đây, cùng với dự thảo luật An Toàn Công Nghệ của Mỹ.

Điều luật 230 thuộc Communications Decency Act, Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, qua đó các nền tảng dịch vụ trực tuyến có quyền 1.quản lý những nội dung mà người dùng đăng tải, 2.bảo vệ chính các công ty lẫn người dùng ấy khỏi hậu quả của những từ ngữ sai trái, kích động mà người dùng các dịch vụ đăng lên mạng internet:

“Không nhà cung cấp nội dung hay người dùng của một dịch vụ máy tính tương tác bị coi là tác giả hoặc phát ngôn viên cho bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi một đơn vị nội dung khác.”

Nói dễ hiểu, Khoản 230 này bảo vệ mọi trang web và dịch vụ đăng tải và lưu trữ nội dung trực tuyến khỏi những vụ kiện liên quan đến những nội dung mà người dùng đăng tải. Lấy ví dụ có người mắng chửi, phỉ báng anh em trên Facebook, thì nhờ Khoản 230 này, anh em không thể kiện Facebook vì dịch vụ đó giúp những từ ngữ tấn công anh em tồn tại được. Nhưng nếu Khoản 230 được viết lại theo hướng có lợi cho người dùng hơn, hoặc thậm chí bị loại bỏ, thì lại là chuyện khác, khi đó anh em có thể vác luật sư đi kiện Zuckerberg vì mình bị người khác vu khống và bắt nạt trên MXH.

Quay trở về với Communications Decency Act, rất nhiều các nội dung trong đạo luật này đã được tòa án Mỹ bác bỏ do các lo ngại về vi phạm hiến pháp về tự do ngôn luật nhưng điều luật 230 vẫn luôn được trích dẫn và là "cái khiên" bảo vệ các công ty công nghệ.

Trên thực tế, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là người cực kỳ ghét điều luật 230, ông tin rằng điều luật này quá ưu ái cho các công ty công nghệ, ông từng đưa ra các bản dự thảo và sắc lệnh để điều chỉnh nhưng Quốc Hội Mỹ mới là nơi duy nhất có thể thay đổi các điều luật này. Ngay cả trong buổi xử án, thẩm phán tòa án tối cao Mỹ, ông Kavanaugh cũng nói rằng những thay đổi trong điều luật 230, nếu có, phải do Quốc Hội Mỹ quyết định mà không phải là tòa án.

QUẢNG CÁO



Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Điều luật 230 không phải là điều luật vạn năng và các công ty Internet cũng không thể phủi tay hoàn toàn khỏi những gì người dùng đăng tải. Như đã nói ở trên, một mục của điều luật 230 cho phép các công ty công nghệ quản lý các nội dung mà người dùng đăng tải, cho phép họ xóa những nội dung bị cho là nguy hiểm. Điều luật 230 cũng không bảo vệ chủ website khỏi các nội dung vi phạm luật hình sự liên bang, hay các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, và đặc biệt càng không bảo vệ chủ sở hữu website/nền tảng khỏi việc tự tạo ra những nội dung bất hợp pháp hay gây hại.

Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu tòa án tối cao Mỹ phán quyết bất lợi cho Google, Twitter và nó sẽ thay đổi Internet mà chúng ta biết như thế nào?
Như các bạn đã biết, Google, Facebook, Twitter, TikTok... không tự tạo ra nội dung mà chính chúng ta, những người dùng trên đó mới tạo ra nội dung. Chính vì vậy, điều luật 230 vẫn luôn được trích dẫn và xem như một điều luật giúp Internet tồn tại đến thời điểm hiện tại. Các công ty công nghệ lớn như Google, Twitter hay Meta đều cho rằng việc đề cử nội dung dựa trên thuật toán là cực kỳ thiết yếu, nó cho phép họ "sắp xếp, phân loại và hiển thị" các nội dung cho người dùng nhằm tăng cường trải nghiệm của họ trên các nền tảng.

Nếu tòa án quyết định bất lợi cho các công ty công nghệ, nó có thể tạo ra một tiền lệ mà qua đó các công ty này phải chịu trách nhiệm pháp lý do quảng cáo hướng đối tượng hoặc các cơ chế đề cử nội dung. Qua đó, toàn bộ các cơ chế phân hạng, xếp loại và đề cử cũng sẽ phải thay đổi. Các công ty công nghệ lớn sẽ trở thành mục tiêu của rất nhiều vụ kiện, đồng thời phải hạn chế rất nhiều những nội dung từng có trước đây.

Lấy ví dụ, Yelp, Reddit, Microsoft, Craigslist, Twitter, Facebook cho biết sẽ không còn các nội dung tìm kiếm liên quan đến việc làm hay quán ăn nữa vì họ sẽ bị kiện. Hay các website review quán ăn sẽ bị kiện tội phỉ báng khi một người dùng post review chê nhà hàng nào đó.

Ngay cả các dịch vụ hẹn hò như Tinder hay Match, cũng nói rằng điều luật 230 là cần thiết để trải nghiệm người dùng trên các nền tảng này phù hợp hơn. Luật sự Google, Lisa Blatt cho rằng liệu điều luật 230 có còn được phục vụ mục tiêu ban đầu mà nó tạo ra hay không? Có còn giúp các website quản trị nội dung thật tốt mà không lo lắng bị trừng phạt vì việc quản lý. Blatt lo ngại các chủ sở hữu website/nền tảng sẽ đi đến một trong hai thái cực, hoặc loạt bỏ hoàn toàn, bất cứ thứ gì có khả năng gây tranh cãi về mặt pháp lý hoặc không thực hiện bất cứ hành vi nào để quản lý các nội dung, xem như không có gì xảy ra.

Có một câu hỏi khá thú vị mà mình thấy TheVerge nhắc tới, đó là liệu Google có phải bị trừng phạt vì hiển thị những kết quả tìm kiếm liên quan đến nội dung khủng bố, kể cả khi đó là kết quả của những gì mà người dùng tìm kiếm. Và liệu họ có phải chịu trách nhiệm nếu người dùng tìm kiếm các thông tni sai lệch hay một video khủng bố nào đó.

Nói đi cũng phải nói lại, việc chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào thuật toán đề cử của các công ty công nghệ thật sự là không tốt. Tổng tống Mỹ Joe Biden cho biết:

"Ngành công nghệ của Mỹ là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo nhất thế giới... Nhưng cũng như những người Mỹ khác, tôi thật sự lo ngại về cách mà một số công ty thu tập ,chia sẻ và khai thác dữ liệu cá nhân của chúng ta, từ đó làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan và phân cực Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như vi phạm các điều luật về quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số, hay thậm chí gây ra những ảnh hưởng đến con em chúng ta.

Anh em rảnh có thể xem lại link nguồn hình bài viết, Mozilla thực hiện để “troll” YouTube khi nền tảng MXH này đề cử các nội dung vi phạm chính các quy tắc của nó.

Tham khảo: Time, TheVerge, The Verge, ảnh minh họa: Mozilla