Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

CÁCH DÙNG ROUTER CŨ TĂNG ĐỘ PHỦ SÓNG CHO SÓNG WI-FI

Bạn có biết nếu sử dụng chiếc router cũ đang dư thừa và biến nó thành một Access Point (AC), bạn có thể tăng độ phủ sóng cho Wi-Fi tới những góc xa trong nhà?
Để có Wi-Fi dùng, bạn chỉ cần một chiếc router là đủ. Điều đó có nghĩa khi bạn nâng cấp, thay thế chiếc router cũ bằng router mới có tốc độ cao hơn, chiếc router cũ sẽ trở thành đồ thừa. Tuy nhiên, bạn có biết nếu biết cách, bạn có thể biến nó thành một Access Point (AP) ngoài? Đặt chiếc AP này ở các góc xa trong căn nhà rồi kết nối nó với router mới (qua cáp mạng), bạn có thể tăng độ phủ cho sóng Wi-Fi ở những nơi mà nếu chỉ dùng một router sóng không thể đến. Hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn cách tạo ra chiếc AP tự chế này.
Router Wi-Fi nhà bạn thường có 1 AP nhúng (hoặc thậm chí 2 và 3 AP nhúng - với các router 2 băng tần hay 3 băng tần), bên cạnh chức năng là một router của nó. AP giúp phát sóng Wi-Fi để các client không dây như smartphone, tablet... có thể kết nối tới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đặt tên cho router chính là Router A, còn chiếc router cũ bạn muốn biến thành AP là Router B. Mục tiêu ở đây là biến Router B thành AP ngoài cho Router A để tăng diện tích phủ của sóng Wi-Fi.
Lưu ý: Một số router Wi-Fi có chế độ Access Point (bạn kiểm tra thông tin này trong danh sách các tính năng của chúng). Nếu Router B của bạn có hỗ trợ chế độ này, bạn chỉ cần bật nó lên và nó sẽ hoạt động như một AP và không cần quá nhiều công sức để thiết lập. Hướng dẫn dưới đây dành cho các router không có tính năng trên (hoặc có nhưng bạn không biết cách kích hoạt) và chỉ phù hợp với các router có giao diện web - một trang web mà từ đây bạn có thể xem, quản lý và điều khiển các tính năng và cài đặt của router. Rất may là hầu hết router trên thị trường đều có giao diện này nên bạn không phải quá lo lắng mình không thể thực hiện được.
Biến chiếc router cũ thành một Access Point

Bước 1: Bỏ qua cổng WAN (internet) của router B

Nếu router của bạn không có tính năng AP, bạn sẽ cần lưu ý để bỏ qua cổng WAN của nó. Sử dụng cổng này sẽ khiến router tự động hoạt động như một router phát Wi-Fi thông thường - đơn giản bởi đó là chức năng mà người ta thiết kế cho nó từ ban đầu. Nó sẽ không "biết" mình đang được sử dụng để làm Access Point tăng độ phủ sóng như mục đích của bài viết. Nếu cẩn thận, bạn nên dán một miếng băng dính vào cổng này để tránh nhầm lẫn.
Lưu ý rằng nếu router có chế độ AP, bạn có thể dùng cổng WAN, bởi khi chế độ AP được kích hoạt, cổng WAN sẽ có chức năng của cổng LAN để (trong 1 số trường hợp) cho phép bạn kết nối thiết bị mới vào mạng qua dây cáp.

Bước 2: Xác định dải IP của Router A

Bước này có 2 phần việc phải làm. Đầu tiên, bạn cần xác định địa chỉ IP của Router A. Bạn kết nối 1 máy tính với Router A qua Wi-Fi hoặc một sợi cáp mạng qua một trong các cổng LAN của nó. Nếu máy tính bạn dùng chạy Windows, bạn thực hiện các bước sau:
Chạy command prompt. Với Windows 10 bạn chỉ cần tìm kiếm với từ khóa cmd trong menu Start để command prompt hiện ra, hoặc với Windows 8 bạn chỉ cần gõ cmd khi đang ở menu Start dạng Metro rồi nhấn phím Enter. Đơn giản nhất, bạn chạy Command Prompt bằng cách mở hộp thoại Run (phím tắt Windows + R), gõ cmd rồi nhấn Enter.
Ở cửa sổ Command Prompt, bạn gõ ipconfig rồi nhấn Enter. Bạn sẽ được trả về kết quả là các câu chữ và con số rất "loằng ngoằng", tuy nhiên, việc tìm địa chỉ IP không quá khó khăn. Hãy tìm tới dòng "Default Gateway" và nhìn sang bên phải. Đó chính là địa chỉ IP của router bạn cần tìm.
Xác định dải IP của Router A
Nếu bạn dùng máy tính Mac, hãy vào System Preferences > Network. Tiếp theo, bạn chọn mạng mà bạn đang kết nối đến (mạng có dấu chấm xanh), click vào Advanced. Ở thẻ TCP/IP, bạn tìm tới mục "Router", và địa chỉ IP của router sẽ hiển thị ở bên cạnh đó.
Sau khi có địa chỉ IP của router (luôn có 4 nhóm số và được tách biệt nhau bằng một dấu chấm giữa các nhóm), bạn dùng nó để xác định dải IP của nó. Dải số bạn có thể chọn để dùng sẽ trùng với các số trong 3 nhóm đầu, với nhóm thứ 4 dao động từ 1 đến 254. Bạn sẽ không thể lựa chọn địa chỉ IP mà Router A đang sử dụng.
Ví dụ như nếu địa chỉ IP của router là 192.168.1.1, bạn có thể chọn trong dải IP gồm từ 192.168.1.2 đến 192.168.1.254. Nếu địa chỉ IP của router là 192.168.1.254, dải IP sẽ là 192.168.1.1 to 192.168.1.253. Khi 1 thiết bị được kết nối với Router A và có 1 địa chỉ IP thuộc dải IP, nó sẽ được chấp nhận là một phần của mạng.
Trong bài viết này, chúng ta hãy giả sử 192.168.1.1 là địa chỉ IP của Router A. Với các router dùng trong gia đình, rất có thể đây cũng chính là địa chỉ IP của router bạn đang dùng - bởi nhiều nhà sản xuất, từ Netgear, Asus, D-Link... đều dùng địa chỉ IP này làm mặc định cho router của họ.

Bước 3: Thiết lập địa chỉ IP cho router B bằng cách lấy 1 địa chỉ chưa được dùng tới trong dải IP của Router A

Kết nối máy tính vào Router B qua Wi-Fi hoặc qua cáp mạng (dùng cổng LAN của router B) để xác định IP hiện tại của router là gì (lặp lại phần đầu của bước 2 ở trên để làm việc này).
Bạn đăng nhập vào giao diện web của router bằng cách mở trình duyệt rồi nhập địa chỉ IP vào thanh địa chỉ. Bên trong giao diện, bạn điều hướng tới mục cho phép thay đổi địa chỉ IP mặc định của router. Tùy thuộc vào từng model, mục này có thể có tên là Network, LAN, hay Setup. Bạn đổi địa chỉ IP này sang một địa chỉ trong dải IP mà bạn xác định được trong phần 2 của bước 2. Ví dụ như nếu IP của Router A là 192.168.1.1, bạn có thể đổi IP của Router B thành 192.168.1.2. Bạn phải đảm bảo IP này chưa được gán cho thiết bị nào khác, nếu không bạn sẽ phải chọn một IP khả dụng khác. Sau khi chọn, bạn nhấn Save để lưu các thay đổi. Router B lúc này sẽ khởi động lại và bạn phải chờ đợi trong ít phút.

Bước 4: Tắt chức năng DHCP Server của Router B

Tắt chức năng DHCP Server của Router B
Bạn đăng nhập lại vào giao diện web của Router B bằng cách trỏ trình duyệt web tới địa chỉ IP mới mà bạn thiết lập thủ công ở bước 3 (trong trường hợp ví dụ ở trên là 192.168.1.2) rồi điều hướng tới mục LAN, Network, hay Setup. Tại đây bạn có thể vô hiệu hóa chức năng HDCP server và nhấn Save để lưu lại các thay đổi.
Giờ đây, Router B - khi được kết nối với Router A bằng cáp mạng - sẽ có chức năng của một switch (cho phép bạn dùng cổng LAN của nó để kết nối các thiết bị vào mạng bằng dây cáp) và một AP. Bạn có thể đăng nhập vào giao diện web của router nào bằng địa chỉ IP của nó (trong trường hợp này là 192.168.1.1 của Router A và 192.168.1.2 của Router B) để thực hiện các thay đổi về cài đặt.
Nếu bạn không thay đổi gì, Router B (giờ đây hoạt động như một AP), sẽ có tên giống với tên mà nó được đặt khi còn được dùng làm router. Bạn có thể đổi tên của nó giống tên Router A nếu bạn muốn các thiết bị tự động kết nối tới bất kỳ router nào; hoặc đặt 1 tên khác để xác định thiết bị mình dùng đang kết nối với Router A hay Router B. Dù theo cách nào thì tất cả các thiết bị kết nối tới Router A hay Router B đều sẽ là một phần của mạng
 
Cập nhật: 07/01/2017 Theo ictnews 
 
 
 
 

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

5 CÔNG NGHỆ LƯU TRỮ SẼ KHỞI SẮC TRONG NĂM 2017

Huy Thắng

(PCWorldVN) Những xu hướng công nghệ này được dự đoán sẽ là hướng đi chủ đạo của ngành công nghiệp lưu trữ trong năm 2017.
AI
Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) đang định hình thế giới theo một cách tốt đẹp hơn và được nhận định sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Về cơ bản, một hệ thống trí tuệ nhân tạo phải thực hiện chuỗi quy trình "học hỏi", "hiểu" và "ra quyết định". Các giai đoạn trên đều cùng sử dụng chung một bộ lưu trữ, được đồng bộ dựa trên đặc trưng dữ liệu. Do đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo cần lưu trữ khối lượng dữ liệu rất lớn để phân tích, phải được trang bị dung lượng cực lớn để đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, theo nhận định thì trí tuệ nhân tạo sẽ khiến ngành công nghiệp lưu trữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khi cuộc cách mạng AI bùng nổ, hy vọng rằng các nhà nghiên cứu sẽ khám phá thêm nhiều giải pháp để sử dụng máy tính thông minh nhằm tạo ra giá trị từ dữ liệu lưu trữ.
Cloud
Hiện nay, hình thức lưu trữ đám mây (Cloud Storage) đang được đánh giá là một giải pháp tối ưu nhất, ngày càng được nhiều người dùng tin tưởng và sử dụng rộng rãi. Các hãng cung cấp đám mây ngày càng đưa ra nhiều dịch vụ cạnh tranh nhằm thu hút nhiều người dùng hơn. Những tên tuổi lớn như Microsoft, Google, IBM, Amazon cũng đang cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng của họ nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng. Chính vì vậy, hệ thống lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu phải ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu trên. Nhờ vậy, các công nghệ lưu trữ phục vụ cho đám mây là một trong những mục tiêu chính cho ngành công nghiệp này.
Lưu trữ đám mây được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2017.
NVRAMTheo định nghĩa chuẩn thì NVRAM (Non-Volatile Random-Access Memory) là một dạng bộ nhớ RAM có khả năng lưu dữ liệu khi bị mất điện (Non-Volatile). NVRAM xuất hiện đầu tiên trên máy tính xách tay và sau đó được sử dụng rộng rãi trên nhiều loại thiết bị khác như tablet, smartphone, máy in, router,... NVRAM vốn đòi hỏi ít năng lượng, có hiệu năng cao hơn nên được đánh giá sẽ là ứng cử viên tương lai thay thế công nghệ lưu trữ flash NAND phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, do công nghệ này có giá thành vẫn còn khá cao nên chưa thể sản xuất hàng loạt.
PCIe/NVMe
Công nghệ PCIe/NVMe (Non-Volatile Memory Express) được giới thiệu lần đầu tiên tại Computex 2016 và dự kiến sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ổ lưu trữ SSD. NVMe được thiết kế để tận dụng lợi thế của công nghệ bộ nhớ RAM Non-Volatile. Năm 2017, dự kiến PCIe/NVMe hầu như sẽ xuất hiện phổ biến trên các mẫu máy tính xách tay cao cấp. Về hiệu suất, PCIe/NVMe cung cấp khả năng đọc và ghi 2GB mỗi giây (Gen 2) hoặc lên đến 4GB mỗi giây (Gen 3), bỏ xa so với chuẩn ổ SSD SATA hiện nay. Điều đó cũng sẽ tăng cường sức mạnh cho các hệ thống bộ nhớ ảo của máy tính xách tay, mang lại một công cụ mạnh mẽ hơn.
SSD sử dụng giao tiếp PCIe tốc độ cao sẽ dần thay thế chuẩn ổ SSD SATA hiện nay.
SDSGiải pháp hệ thống lưu trữ định nghĩa bằng phần mềm SDS (Software-Defined Storage) được thiết kế dựa trên nền tảng hạ tầng siêu hội tụ (Hyper-Converged). Đó chính là nơi mà tất cả các thành phần thiết bị như máy chủ, thiết bị lưu trữ và thiết bị mạng được triển khai trọn gói cho khách hàng trong một tủ rack hoàn chỉnh duy nhất, cùng với các phần mềm giám sát thiết bị ảo và phần mềm quản lý. Sự tăng trưởng của việc sử dụng hạ tầng siêu hội tụ không chỉ làm thay đổi đặc điểm kỹ thuật của môi trường IT mà còn giúp thay đổi cả nhân sự quản lý công nghệ. Lưu trữ SDS là một phương pháp trong đó sử dụng phần mềm được lập trình để điều khiển tác vụ liên quan lưu trữ, được tách rời hoàn toàn với phần cứng lưu trữ vật lý.

 http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/cong-nghe/2017/01/1250807/5-cong-nghe-luu-tru-se-khoi-sac-trong-nam-2017/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

CÁCH BẢO VỆ FACEBOOK TRƯỚC VIRUS DANTRIAZ NGUY HIỂM

Mới đây, một loại virus mới giả danh dưới tên miền DantriAZ, DantriTop đã tấn công tài khoản Facebook của rất nhiều người. Ngay khi chúng ta click vào bài viết đó, bạn sẽ cần đăng nhập nếu muốn đọc tiếp bài viết. Và như thế tài khoản của bạn đã bị đánh cắp rồi đó. Vậy là sao để có thể tránh được những loại virus DantriAZ hay DantriTop?

1. Virus DantriAZ đánh cắp tài khoản Facebook:

DantriAZ hay DantriTop là hai tên miền mạo danh tên miền Dân Trí mà bất cứ ai cũng đều biết. 2 loại virus này sẽ ở dưới dạng những bài viết có tiêu đề thu hút, hấp dẫn, kích thích trí tò mò của người đọc như "Thì ra đây là thủ đoạn thâm hiểm của...", "Bị chửi bán trái cây giá của Trung Quốc,..." hay thậm chí những tiêu đề liên quan đến các thủ tục hành chính như hình dưới đây.
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ
Và nếu chúng ta không để ý đến tên miền mà click vào bài viết đó, ngay lập tức sẽ xuất hiện giao diện đăng nhập lại tài khoản Facebook. Ngay khi bạn nhập đầy đủ thông tin và nhấn Đăng nhập thì tài khoản đã bị "cướp" nhanh chóng. Đồng thời, virus cũng theo đó mà gửi cho mọi người trong danh sách bạn bè của bạn. Và nếu họ không chú ý đến tên miền mà click vào bài viết, thì chắc chắn tài khoản Facebook cá nhân cũng biến mất.
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ

2. Cách bảo mật Facebook trước virus DantriAZ:

Mục tiêu duy nhất mà các loại virus muốn nhằm tới đó là tài khoản Facebook cá nhân, cùng những thông tin quan trọng. Và chúng ta sẽ chẳng biết tài khoản của mình và thông tin sẽ dùng vào việc gì. Vì thế, tự bảo vệ tài khoản Facebook là điều nên làm.

1. Kiểm tra tên miền bài viết:

Khi bạn được bạn bè tag bài viết nào đó, trước hết bạn cần kiểm tra độ tin cậy của bài viết thông qua tên miền, mà ở đây là DantriAZ giả dạng tên miền Dân Trí. Đừng vội click vào bất cứ bài viết nào mà hãy kiểm tra kỹ lưỡng. Tránh tất cả những bài viết có tên miền như m . dantritop.com, m . dantrifunny.com?... Đây rõ ràng là 2 tên miền lừa đảo, chứa virus và có mục đích đánh cắp tài khoản của bạn. Đừng lao đầu vào đọc những bài viết với tựa đề "kêu", độc và lạ trên Facebook vì nó có thể ẩn chứa những mối nguy hiểm mà bạn không thể lường trước.
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ

2. Thiết lập chế độ bảo mật an toàn Facebook:

1. Thay đổi mật khẩu Facebook:
Ngay khi nhận thấy Facebook mình bị tag những bài viết có virus thì hãy tiến hành đổi mật khẩu tài khoản Facebook. Sử dụng dãy mật khẩu với 8 ký tự trở lên, kèm ký tự thường, viết hoa, số hay những loại ký tự đặc biệt khác, nhằm tăng cường độ mạnh cho mật khẩu Facebook.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Hướng dẫn đổi mật khẩu Facebook trên máy tínhHướng dẫn thay đổi mật khẩu ứng dụng Facebook trên điện thoại.
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ
2. Kích hoạt bảo mật 2 lớp Facebook:
Đặc biệt, bạn đừng quên tới việc thiết lập bảo mật hai lớp cho tài khoản Facebook. Khi bạn đăng ký số điện thoại sẽ nhận mã bảo mật. Nếu có ai cố tình đăng nhập tài khoản Facebook của bạn, họ buộc phải nhập thêm mã bảo mật thứ 2 được gửi bằng tin nhắn đến số điện thoại mà bạn đã đăng ký. Đây được coi là một trong những phương thức bảo mật Facebook hiệu quả, an toàn nhất.
Để biết cách thiết lập chế độ bảo mật 2 lớp cho tài khoản Facebook, bạn đọc thực hiện theo bài viết Làm thế nào bảo mật 2 lớp cho Facebook?
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ
3. Kiểm soát bài tag trên Facebook:
Chúng ta cũng nên sử dụng thiết lập này trên Facebook. Với bất kỳ những bài viết nào tag tài khoản Facebook của bạn đều phải thông qua xét duyệt nếu muốn xuất hiện trên tường. Việc này cũng sẽ hạn chế được phần nào những bài viết có tựa đề "hút khách" chứa virus xuất hiện trên tường nhà bạn, tránh mọi người click vào đọc.
Thực hiện theo bài hướng dẫn Thiết lập chế độ quản lý bài đăng được tag trên Facebook nhé.
Cách bảo vệ Facebok trước virus DantriAZ
Trên đây là một số những cách ngăn chặn loại virus mới DanTriAZ trên Facebook, virus có thể đánh cắp tài khoản cũng như truyền cho tài khoản khác. Hãy cảnh giác trước mỗi bài viết trên Facebook và bài được tag, để tránh việc mất tài khoản. Quan trọng hơn đó là sử dụng những thiết lập bảo mật an toàn cho Facebook.
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!
Cập nhật: 03/01/2017 Nguyễn Trang