Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

CÁC LOẠI FORM FACTOR PHỔ BIẾN CỦA Ổ SSD VÀ NHỮNG THỨ ANH EM CẦN BIẾT NẾU CẦN MUA HAY NÂNG CẤP

Form factor là cụm từ dùng trong ngành máy tính để nói về kích thước, hình dáng của một thứ gì đó. Case máy tính cũng có form factor, mainboard cũng có, nguồn cũng có luôn, và SSD cũng không là ngoại lệ. Mời các bạn tìm hiểu kĩ hơn về form factor của SSD để lỡ có cần mua hay thay đổi thì biết rõ để đỡ mua nhầm tốn tiền mà không xài được.

Ghi chú: form factor không phải là giao tiếp. Form factor chỉ là hình dáng bên ngoài của ổ SSD, còn giao tiếp thì vẫn dùng những thứ như SATA, PCIe hoặc USB. Giao tiếp là thứ quy định tốc độ, cách thức truyền dữ liệu và khả năng tương thích giữa SSD với CPU (hay nói rộng ra là với máy tính). Các form factor khác nhau có thể dùng các giao tiếp giống nhau.

SSD 2,5" SATA

Trước khi có SSD thì người ta toàn sử dụng HDD, tới giờ vẫn thế, vậy nên SSD cũng phải được làm theo hình dáng của HDD để người nào cần thay thế thì có thể dễ dàng tháo lắp, không phải đổi cả máy tính hay mainboard. Vậy nên, SSD cũng có loại 3,5" và 2,5", chúng cũng xài chung giao tiếp SATA với HDD luôn. Loại này hiện đang có bán khá nhiều trên thị trường, bạn có thể dễ dàng mua được ở bất kì cửa hàng tin học nào. Giá cả của chúng hiện tại cũng đã rất phải chăng với dung lượng hợp lý chứ không còn đắt như trước nữa. Bản 3,5" cho máy bàn, Bản 2,5" dành cho laptop thường, ngoài ra còn bản 1,8" cho laptop mỏng nhẹ (nhưng loại này thì ít phổ biến hơn).

SATA.jpg

Cái hay của SSD theo chuẩn 2,5" hoặc 3,5" đó là bạn có thể nhanh chóng thay thế nó vào chiếc máy tính hiện tại đang chạy ổ cứng của mình mà không cần làm thêm bất kì thứ gì, cũng chẳng phải mua thêm linh kiện phần cứng nào cả. Ngay lập tức bạn sẽ có tốc độ nhanh hơn rất nhiều, quá tuyệt vời. Chiếc MacBook Pro đời 2009 của mình thay HDD 2,5" bằng SSD 2,5" xong thì chạy nhanh chóng mặt, hiệu quả còn hơn cả khi thay RAM 4GB thành 8GB. Nhiều người nghịch cỡ @cuhiep còn thay luôn SSD 2,5" vào các ổ cứng di động để tăng tốc độ nữa đấy, và tự làm luôn chứ chẳng cần phải mang ra tiệm (nhưng không khuyến khích, hư thì ráng chịu à nha).

Anh em lưu ý, SSD 2,5" hiện tại có hai loại phổ biến phân biệt theo chiều cao của ổ đĩa: 7mm và 9,5mm. Kích thước 9,5mm là loại phổ biến, xài trong rất nhiều laptop hiện nay và cũng rất dễ kiếm ổ SSD thay thế. Loại 7mm chuyên dùng cho các máy tính mỏng nhẹ, kiểu như Ultrabook chẳng hạn. Loại này mình thấy hơi khó kiếm ổ thay thế ở các cửa hàng Việt Nam.

SSD mSATA

SSD mSATA có kích thước chỉ bằng 1/8 ổ SSD 2,5" và đang được xài khá nhiều làm ổ chính trong các Ultrabook hoặc làm ổ cứng thứ hai trong những chiếc laptop cấu hình cao. SSD loại này sử dụng cổng kết nối tên là mSATA, viết tắt cho chữ miniSATA. Anh em chắc cũng đoán được rồi, đây là cổng SATA nhưng được thu nhỏ lại để phù hợp với những chiếc máy tính mỏng nhỏ nhẹ.

Nhìn bên ngoài, cổng mSATA rất giống với cổng Mini PCI Express (mPCIe), tuy nhiên chúng không bắt buộc là phải tương thích với nhau về mặt điện tử và truyền dữ liệu. Ngoài ra máy tính cũng phải có con chip điều khiển mSATA chứ không thể xài chip PCI Express được. Vì lý do này, sẽ chỉ an toàn nhất khi bạn gắn SSD mSATA vào một chiếc máy tính đã có sẵn cổng mSATA mà thôi. Một số máy tính dùng CPU Sandy Bridge, chẳng hạn như dòng Lenovo ThinkPad T, W, X năm 2011, có thể thay card mạng gắn trong khe PCIe bằng mSATA được, tuy nhiên bạn nên kiểm tra kĩ tài liệu của nhà sản xuất để khỏi phí tiền.

mSATA.jpg

Cần lưu ý, SSD mSATA cũng có 2 loại nhỏ hơn: m50 (50mm) và m30 (27mm), tương ứng với chiều dài của ổ. Mình thấy loại m50 xuất hiện trong nhiều laptop hơn, loại m30 thì hơi hiếm một chút. Ở các cửa hàng tin học tìm ổ m50 cũng dễ mua hơn là loại còn lại. Tại Việt Nam kiếm SSD mSATA không khó, bản 256GB giá cỡ 2 triệu đồng trở lên tùy hãng và tùy model, bạn có thể mua được hàng chính hãng Plextor, Transcend ở các cửa hàng.

Lưu ý: Một số hãng máy tính dùng mSATA với chiều dài tùy biến, cái này thì khá là khó để tìm hàng thay thế hay nâng cấp lên dung lượng cao hơn.

SSD M.2

Năm 2012, một chuẩn form factor SSD mới nữa được giới thiệu với tên Next Generation Form Factor (NGFF), sau đó được đổi tên thành M.2. Cấu hình M.2 cho phép nhiều chiều dài bo mạch khác nhau, hỗ trợ cả giao tiếp SATA, PCIe lẫn USB nhưng chiều ngang thì chỉ cỡ một miếng singum mà thôi. Và bởi vì kích thước nhỏ như vậy nên đương nhiên SSD M.2 cũng được xài cho các máy tính nhỏ mỏng nhẹ từ năm 2012 dài cho đến nay.

M.2 không chỉ được dùng cho SSD, nó còn được sử dụng các card mạng, Bluetooth gắn trong nữa. Vậy nên M.2 cũng có nhiều loại lắm, được gọi là Key. Mời anh xem bảng bên dưới cho dễ hình dung.


Anh em thấy là phần kích thước chúng ta có những con số bao gồm 4 hoặc 5 chữ số. Đây thực chất là kích thước dài rộng của card đấy:
  • 2 chữ số đầu tiên: chiều rộng của card đo bằng milimet
  • 2 chữ số kế tiếp: chiều dài của card đo bằng milimet
  • 1 chữ số kế tiếp: phần thập phân của chiều dài
Ví dụ: module Wi-Fi M.2 A-Key có kích thước 1630, tức là rộng 16mm và dài 30mm. Đơn giản mà đúng không? Các module SSD M.2 có kích thước dài và rộng hơn.

M2.jpg

Hiện tại tất cả các loại M.2 đều cho phép dùng 2 lane PCI Express, tuy nhiên chúng cũng tương thích với các kết nối khác nữa như trong bảng trên. Anh em cũng thấy là SSD của chúng ta chủ yếu dùng loại B và M để có tính tương thích cao nhất do chúng có thể gắn vào cả khe mSATA và khe PCIe x2. Những SSD nào dùng loại M thì có tốc độ cao hơn, đắt tiền hơn do chỉ mỗi loại này mới có thể dùng 4 lane PCIe.

Nói thêm về vụ SSD M.2 dùng PCIe, chúng thường cho tốc độ cao hơn so với SSD SATA. Lý do? Theo Asus, PCIe có kết nối trực tiếp vào CPU nên dữ liệu sẽ được trao đổi rất nhanh, trong khi đó ổ SATA phải đi qua một bộ điều khiển trung gian nên làm tăng độ trễ. Thực tế thử nghiệm các laptop chạy SSD PCIe cũng cho kết quả vô cùng ấn tượng. Nếu bạn build máy tính để bàn, M.2 hay hơn so với SATA ở chỗ bạn không cần cáp nguồn và cáp data riêng biệt, tức là thùng máy của bạn sẽ gọn gàng hơn, nhất là với những chiếc miniPC.

Dạo một vòng quanh mấy cửa hàng bán đồ tin học thì mình thấy SSD M.2 2280 là loại được nhiều nơi bán, chúng ta có thể tìm mua khá dễ dàng. Tuy nhiên, giá của chúng hơi cao một chút so với SSD 2,5" hay SSD mSATA, ổ 128GB dao động từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng tùy hãng sản xuất, ổ 256GB thì đắt hơn, loại 512GB hơi khó kiếm nhưng cũng có, giá khoảng 4,5 triệu đồng. Đây là đồ chính hãng, hàng xách tay thì thường rẻ hơn.

SSD U.2

Chuẩn SFF-8639 được đổi tên thành U.2, đây cũng là một chuẩn SSD cỡ lớn tuy nhiên tốc độ tối đa của nó có thể lên tới 10Gbps, không phải chỉ 6Gbps như SATA III. Điểm khác biệt này là do U.2 không dùng SATA mà dùng kết nối PCIe 3.0 x4 (4 lane) giống như M.2 nên nhanh hơn nhiều. Vì U.2 có kích thước lớn hơn M.2 nên người ta có thể nhét thêm nhiều chip flash vào bên trong, tức là sẽ dễ tăng dung lượng lên hơn so với ổ M.2. Như bạn có thể thấy trong hình bên dưới, ổ U.2 còn có thể được thiết kế để tản nhiệt tốt hơn. Một số mainboard có hỗ trợ cổng U.2 sẵn hoặc hỗ trợ thông qua adapter, tuy nhiên nó không phổ biến như là các chuẩn mà mình đã nói tới bên trên, chủ yếu trên các mainboard cho game thủ mà thôi.

Ở Việt Nam mình chưa tìm ra chỗ bán ổ U.2. Anh em nào biết thì chia sẻ nhé.

U2.jpg

MacBook dùng cái gì?

Với anh em dùng MacBook, xin chia sẻ với anh em vào thứ sau:

LSI_blog-ssds-everything-image7-LR.jpg
  • Với MacBook Pro không có Retina và MacBook nhựa: chúng dùng ổ 2,5" nên nếu thay vào thì bạn sẽ phải mua SSD 2,5" 9,5mm.
  • Với MacBook Air đời đầu: nó có khay HDD 1,8" nên nếu thay thì phải kiếm SSD 1,8", rất khó để mua được
  • Với MacBook Pro Retina và MacBook Air: Apple dùng SSD tùy biến nên hơi khó kiếm để anh em tự thay. Các máy ra đời từ khoảng năm 2010 đến năm 2012 dùng SSD SATA tùy biến, từ năm 2013 tới nay dùng SSD PCIe nhưng cũng với kích thước tùy biến
  • Mac Mini: ổ SSD 2,5"
  • iMac: ổ SSD 2,5", những model mới hỗ trợ Fusion thì có thêm ổ SSD PCIe tùy biến
Như vậy, nếu anh em dùng MacBook Pro và MacBook Air mới thì việc thay ổ SSD sẽ hơi cực do Apple toàn dùng form factor tùy biến của họ mà thôi, không xài chung mSATA hay M.2 gì cả. Ngay cả ổ cho đời 2012 cũng khác so với đời 2013 trở về sau, lại càng làm phức tạp thêm vấn đề. Chính vì thế, để thay ổ cho máy Mac thì chủ yếu anh em phải kiếm hàng xách tay, đặt hàng từ nước ngoài về hoặc đi săn hàng tháo lắp từ máy cũ ra mà thôi. Giá tất nhiên cũng không rẻ, nhưng ít nhất là vẫn thay được chứ không bị hàn chết nên cũng đỡ.

OWC_SSD.jpg

Về hàng 3rd party dành cho MacBook, anh em có thể tham khảo ổ SSD của OWC và Transcend. Hai công ty này có làm SSD thay thế cho MacBook với dung lượng đa dạng từ 128GB dài cho đến tận 1TB, tùy giá tiền mà anh em có thể chọn mua cho phù hợp. Bản SSD OWC PCIe dành cho MacBook Pro và MacBook Air 480GB có giá 350$, 1TB thì 597$.

Xem thêm: kiến thức cơ bản về các con chip bên trong và hiệu năng SSD, anh em xem trong bài viết: https://tinhte.vn/threads/tim-hieu-ssd-nhung-cong-nghe-co-ban-toi-uu-hieu-nang-va-do-ben.2590190/

Tìm hiểu SSD - Những công nghệ cơ bản tối ưu hiệu năng và độ bền

SSD ngày càng phổ biến không chỉ do ưu thế vượt trội về tốc độ truy xuất dữ liệu, khả năng chống sốc tốt mà giá bán cũng giảm đáng kể trong thời gian...
tinhte.vn


Tham khảo: ArsTechnica, Asus, TechSpot, Wikipedia
 

https://tinhte.vn/threads/cac-loai-form-factor-pho-bien-cua-o-ssd-va-nhung-thu-anh-em-can-biet-neu-can-mua-hay-nang-cap.2606086/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét