Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

HIỂU VỀ 3 CHẾ ĐỘ KHI KẾT NỐI ANDROID VỚI MÁY TÍNH: USB MASS, MTP VÀ PTP

Những thiết bị Android cũ thường hỗ trợ chế độ USB Mass Storage để giúp chúng ta chép file khi kết nối với máy tính, còn những máy mới gần đây thì sử dụng 2 giao thức là MTP cho dữ liệu và PTP cho hình ảnh. Trong bài này mình sẽ giải thích cho anh em hiểu rõ hơn về tác dụng của 3 chế độ nói trên và khi nào thì cần dùng cái nào.

1. Cách chuyển chế độ USB

Trước khi đi vào chi tiết thì chúng ta hãy xem cách đổi chế độ USB trên thiết bị Android nhé. Trên hầu hết các máy, bạn có thể vào Settings > Storage > bấm nút menu hình ba dấu chấm > USB Connection. Trên một số thiết bị khác, bạn có thể sẽ phải vào Settings > Developers settings > USB Connection.

2. Chế độ USB Mass Storage

USB Mass Storage (USB MSC, hay UMS) là một giao thức được sử dụng rộng rãi bởi các bút nhớ USB, ổ cứng rời, thẻ SD và những thiết bị lưu trữ dùng cổng USB nói chung. Lúc gắn những thiết bị này vào máy tính, máy tính sẽ nhận nó như là một ổ đĩa bình thường và bạn có toàn quyền copy file vào ra tùy ý muốn. Trong một số trường hợp nhất định, máy tính có thể hiển thị thêm một hình đại diện dành cho ổ lưu trữ đó, ví dụ như thẻ SD thì có biểu tượng thẻ nhớ, ổ cứng rời thì hiện biểu tượng đĩa cứng chẳng hạn.

Tương tự, USB Mass Storage chính là cách mà thiết bị Android "chuyển giao" bộ nhớ của mình cho máy tính lúc bạn gắn điện thoại hay tablet vào PC. Khi này, bạn sẽ phải chạm vào một nút trên màn hình để xác nhận về việc kết nối thì mới bắt đầu sử dụng được. USB Mass Storage áp dụng cho cả bộ nhớ trong lẫn thẻ nhớ microSD, nên sẽ có lúc bạn thấy là có đến 2 ổ đĩa mới xuất hiện khi bạn gắn điện thoại và máy tính đấy thôi.


USB_Mass_storage.

Vì sao chúng ta phải nhấn một nút trên màn hình trong khi ghim ổ cứng hay thẻ nhớ vào máy tính thì lại không cần? Đó là do chế độ USB Mass Storage yêu cầu chỉ có 1 hệ điều hành được phép truy cập vào bộ nhớ tại một thời điểm mà thôi. Khi bạn kết nối điện thoại vào PC, phần lưu trữ này sẽ bị ngắt khỏi Android và chuyển quyền kiểm soát cho Windows hoặc OS X trên máy tính. Chính vì lý do này mà nếu bạn thử chụp ảnh, chụp màn hình hay download file về điện thoại thì đều không được vì Android lúc này không còn nắm quyền truy cập đến bộ nhớ nữa.

Nhưng vấn đề là nếu Android ngắt luôn cả những file hệ thống thì không được, khi đó làm sao mà điện thoại có thể tiếp tục hoạt động? Chính vì thế, các file đặc biệt cần phải được lưu vào đâu đó và không bao giờ bị ngắt kết nối. Google đưa ra giải pháp là chia thành 2 phân vùng riêng biệt ở bộ nhớ trong, một phân vùng /data chứa OS và app, còn phân vùng /sdcard là những thứ có bị ngắt kết nối cũng không sao, chẳng hạn như phim ảnh, tài liệu, file download, nói chung là những thứ cá nhân của bạn.

Và cũng chính vì 2 phân vùng này tồn tại độc lập nên chúng ta gặp một vấn đề rất khó chịu: phân vùng /data thường bị chia với dung lượng quá nhỏ không thể cài thêm app, trong khi /sdcard thì có chỗ nhưng lại không thể xài để cài ứng dụng lên. Bạn không thể đổi kích thước 2 phân vùng này trừ khi root máy, nó đã được định sẵn từ lúc mới xuất xưởng rồi. Hồi lúc mình xài Xperia Arc S và HTC EVO 3D thì gặp chuyện này hoài, khó chịu kinh khủng.

m5iiK.
Đây là 2 phân vùng trên chiếc Samsung Galaxy Ace, trong đó /data chỉ có 181MB, trong khi phần /sdcard thì có đến 1,33GB. Ảnh này cho thấy /data đã đầy và không thể cài thêm app, trong khi phần /sdcard còn trống quá chừng mà lại chẳng thể dùng để cài ứng dụng lên

Một hạn chế khác nữa của việc sử dụng USB Mass Storage đó là nhà sản xuất phải định dạng nó theo kiểu FAT hoặc exFAT để có thể đọc và ghi được từ máy tính Windows / OS X. FAT là một định dạng đã cũ, không hỗ trợ phân quyền và chỉ cho lưu file tối đa 4GB, còn exFAT lại là định dạng độc quyền của Microsoft nên các nhà sản xuất phải bỏ tiền ra mua bản quyền sử dụng.

Nói tóm lại, gắn điện thoại hay tablet Android vào máy tính dưới dạng USB Mass Storage thì tiện đấy nhưng có quá nhiều hạn chế lớn. Việc này phải chấm dứt, vậy là các thiết bị Android mới bắt đầu chuyển sang sử dụng giao thức USB khác hiện đại hơn.

3. MTP – Thiết bị media

MTP là chữ viết tắt cho Media Transfer Protocol. Khi thiết bị Android dùng giao thức này, nó xuất hiện trên máy tính như là một "thiết bị media", giống như là máy nghe nhạc vậy. MTP xuất thân là một chuẩn được sử dụng rộng rãi bởi các trình nghe nhạc để chép file sang máy MP3. Đây là các mà cách mà các hãng làm máy nghe nhạc cạnh tranh với mô hình iPod - iTunes của Apple trong những năm 2000. Để chép file qua lại giữa điện thoại Android với máy tính bằng MTP, chúng ta cũng mở File Explorer, cũng copy, paste file, cũng mở file để xem như bình thường.

Tuy nhiên, cách hoạt động của MTP lại rất khác so với USB Mass Storage. Thay vì mở hết toàn bộ phân vùng dữ liệu cho máy tính (cấp độ file system), MTP chỉ chạy ở cấp độ truy vấn file mà thôi. Lúc này, máy tính không trực tiếp đọc bộ nhớ của điện thoại, thay vào đó nó sẽ yêu cầu điện thoại cung cấp một danh sách những file và folder đang tồn tại. Thứ bạn thấy trong Windows Explorer nhìn có vẻ giống bình thường nhưng thực chất thì những file và folder đó chỉ được dựng lại từ danh sách nói trên mà thôi. Khá là hay đúng không nào?

Nexus_4.
Hình ảnh hiển thị khi gắn Nexus 4 vào máy tính Windows, nó xuất hiện với biểu tượng của một cái máy nghe nhạc

Trong trường hợp bạn muốn chép file từ máy tính sang điện thoại, MTP sẽ thiết lập một kết nối giữa hai thiết bị và file sẽ được chuyển qua kết nối đó, giống như khi bạn upload file lên mạng. Chuyện tương tự cũng diễn ra khi bạn muốn copy file của điện thoại vào máy tính, lúc này bạn đang download file từ điện thoại Android về PC của mình. Còn khi bạn xóa file bằng File Explorer thì thực chất một lệnh sẽ được máy tính gửi đến điện thoại, sau đó điện thoại sẽ làm nhiệm vụ xóa đúng theo ý muốn của bạn.

Nếu sử dụng MTP, Android có quyền chọn những file nào mà nó muốn bạn xem và ẩn hết đi những file quan trọng để bạn không táy máy nghịch hỏng. Nếu bạn cố gắng xóa hay chỉnh sửa một file mà bạn không có quyền, thiết bị sẽ không cho phép bạn làm điều đó và hiển thị thông báo lỗi. Trong khi đó, ở USB Mass Storage thì Android không còn quyền điều khiển gì nữa với bộ nhớ nên nó không thể ngăn cản bạn làm những chuyện có thể gây hỏng hóc.

Và cũng vì MTP không yêu cầu một OS tại một thời điểm như USB Mass Storage nên Android không cần ngắt bộ nhớ ra khi bạn kết nối điện thoại với máy tính. Các nhà sản xuất cũng không cần chia riêng 2 phân vùng làm gì, chỉ cần 1 cái là đủ. Phân vùng đó giờ đây sẽ được định dạng theo kiểu ext4 bởi chỉ có Android là cần đọc ghi mà thôi, Windows không cần phải làm chuyện đó, mọi chuyện đã có Android lo.

Windows và hầu hết các bản distro Linux đều hỗ trợ MTP nên khi bạn gắn điện thoại hay tablet Android vào là nhận ngay, nhưng Mac OS X thì không. Apple không tích hợp MTP vào hệ điều hành của họ, lý do là vì iPod, iPhone, iPad đã xài một giao thức riêng để sync dữ liệu với iTunes rồi. Chính vì thế mà Google phải viết ra phần mềm Android File Transfer dành riêng cho người dùng Mac. Ứng dụng này thực chất cũng chỉ là một app hỗ trợ MTP mà thôi, nó sẽ cho phép anh em xài Mac chép dữ liệu giữa điện thoại với máy tính.

Android_File_Transfer.
Android File Transfer cho Mac OS X

4. PTP – Dùng như là máy ảnh

PTP viết tắt cho chữ Picture Transfer Protocol, tạm dịch là giao thức truyền tải hình ảnh. Khi Android sử dụng giao thức này, nó sẽ hiện diện trên máy tính như là một cái máy ảnh. MTP thực chất dựa trên PTP nhưng có nhiều tính năng hơn, chính vì thế mà người ta mới gọi MTP là phần mở rộng của PTP.

Cách hoạt động của PTP tương tự như MTP, chỉ khác cái là PTP chủ yếu được sử dụng bởi máy ảnh. Bất kì phần mềm nào hỗ trợ lấy ảnh từ camera thông qua PTP thì cũng cho phép bạn lấy hình từ điện thoại Android sang máy tính, chẳng khác gì cả.

PTP được hỗ trợ trên cả Windows, Mac lẫn Linux nên bạn sẽ không gặp khó khăn nào khi kết nối điện thoại của mình với máy tính nói chung, cũng không cần cài thêm phần mềm gì đặc biệt. Một số máy in cũng tích hợp PTP để cho phép bạn in ảnh trực tiếp mà không cần thông qua PC.

Vậy khi nào xài MTP và khi nào thì PTP? Thông thường, khi cần kết nối điện thoại với máy tính thì bạn nên chọn MTP để có thể thoải mái chép bất kì loại file nào bạn muốn. MTP không giới hạn gì về chuyện đó, trong khi PTP chỉ cho duyệt file hình mà thôi. PTP sẽ hữu dụng khi bạn cần import hình chụp trên điện thoại vào một phần mềm quản lý ảnh nào đó và để xem lại về sau và không muốn thực hiện nhiều bước chép file rườm rà. Còn USB Mass Storage thì chỉ xuất hiện trên các máy Android cũ mà thôi, máy mới không còn nữa.

https://tinhte.vn/threads/hieu-ve-3-che-do-khi-ket-noi-android-voi-may-tinh-usb-mass-mtp-va-ptp.2547350/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét