Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

ĐỂ CHỤP ẢNH ĐẸP HƠN BẰNG ZENFONE 2

Mình có bài chia sẻ đánh giá về cái Camera của Asus Zenfone 2 rồi. Đây là chiếc điện thoại giá vừa phải chụp hình khá tốt. Mình xin chia sẻ một số lưu ý khi chụp hình bằng điện thoại, cách riêng Zenfone 2 để có được bức ảnh ưng ý hơn. Dĩ nhiên ban đầu thì phải làm chủ điều khiển thuần thục cái camera, rồi ứng dụng những kiến thức nhiếp ảnh và những lưu ý cần thiết, và có góc chụp với cảm xúc riêng cá nhân, những bức ảnh độc đáo riêng mỗi người. Bài viết với mục đích nhỏ mọn như thế, dành cho các bạn mới.


Làm chủ thao tác công cụ chụp



Các chế độ chụp



Chỉnh sửa hoàn tất ảnh


1. Làm chủ máy bằng cách tìm hiểu giao diện công cụ & Thiết đặt lại các thông số tối ưu
Cần thiết tìm hiểu giao diện công cụ camera để thành thạo sử dụng, thì việc vào thiết đặt (setting) lại các tuỳ chọn phù hợp và tối ưu hơn cho camera là rất cần thiết. Với Zenfone 2 có mấy tuỳ chỉnh cần thay đổi:
  • Chọn tỷ lệ khung hình. Nếu cần bức ảnh có độ phân giải cao 13MP thì chụp tỷ lệ 4:3, nếu chụp cần cảnh ngang rộng hoặc khung đứng cao và độ phân giải giảm còn 10MP thì chọn tỷ lệ 16:9. Mình thường để thường xuyên là tỷ lệ 4:3 để có độ phân giải ảnh cao nhất.
  • Chọn chất lượng ảnh là Fine thay vì mặc định máy mới là Standard. Chụp ảnh điện thoại có nhiều giới hạn, có được bức ảnh phải trả nhiều công sức tiền của, nên cứ chọn tuỳ chọn tốt nhất cho từng khung ảnh là yên tâm nhất.
  • Các tuỳ chỉnh khác để Auto, riêng +-EV sẽ được tăng hoặc giảm tuỳ thuộc hoàn cảnh chụp.
Screenshot_2015-05-27-05-14-08.

2. Bố cục cơ bản cho người bắt đầu

Dẫu là chụp hoàn toàn tự động, khi đưa máy điện thoại lên, bạn sẽ phản xạ chọn khung ảnh theo bố cục phù hợp, để đối tượng cần chụp được nổi bật hoặc ấn tượng. Bắt đầu chơi nên tuân theo "Bố cục theo tỷ lệ vàng 1/3". Khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Cũng có những khung ngắm trong máy kỹ thuật số có những đường chia mờ mờ thế này ngay trên máy. Nếu không, ngay khi ngắm và chọn khung ảnh, bạn phải chia trong đầu khung ảnh có 9 phần như vậy để sắp xếp chủ thể chính và tiền cảnh/hậu cảnh phụ như thế nào. Khi quen dần, điều này sẽ gần như trở thành hoạt động vô thức khi mắt bạn đưa vào khung ngắm.
camera.tinhte.vn_.
Bắt đầu chụp ảnh, bạn cứ đặt đối tượng cần nhấn mạnh vào 4 điểm mạnh nói trên. Khi quen rồi, sẽ tự nhiên có những sáng tạo phá bố cục nguyên tắc sau. Khởi đầu, đừng nên có suy nghĩ "tôi tự do, tôi không thích gò bó...!", bởi như thế, rất lâu để có bức ảnh tốt và ấn tượng theo cách của bạn.

Bạn thích tấm nào trong 3 tấm ảnh dưới đây?
Cùng một cảnh và tại một vị trí đứng.
Tấm ảnh 1: Oh! mây trời đẹp quá! Thế là dành gần hết khung ảnh cho phần mây trời. Nhìn vào là mây trời đập vào mắt ngay, hút người xem vào đám mây, còn phần đất nhà cửa là phụ trong bối cảnh.

camera.tinhte.vn_-5.

Tấm ảnh 2: Oh! Hồ nước đẹp quá! Dành gần hết khung ảnh tập trung cho hồ nước. Phần mây trời và nhà cửa chỉ chiếm phần nhỏ trong bối cảnh.
camera.tinhte.vn_-4.

Tấm ảnh 3: Hôm nay trời đẹp, dành nhiều phần cho mây trời và giữ phần nước với tỷ lệ 1/3 tại điểm tháp nhà thờ màu đỏ. Bức ảnh có vẻ hài hoà hơn, chuẩn mực kiểu kinh điển.
camera.tinhte.vn_-6.

Hôm ở trên núi cao, buổi sớm mù mịt sương mình thử bố cục này.
Mọi quy tắc chỉ là chiếc xe tập đi cho trẻ trước khi chúng đủ vững vàng để chạy nhảy một mình. Hãy mạnh dạn chọn khung hình sao dễ chụp nhất, phù hợp với mắt nhìn tự nhiên của con người. Chỉ cần áp khung ảnh vào không gian cảnh trí và lựa chọn một trong nhiều khung hình khác nhau để mở rộng sự sáng tạo tự do.
camera.tinhte.vn_-9.

Ngược lại, lấy thêm phần trên để ảnh có chiều sâu hơn:

3. Đo sáng là quan trọng với camera điện thoại
Trên điện thoại nói chung và Zenfone cũng thế, điểm đo sáng và canh nét là 1. Bạn thử chạm tay vào màn hình, chúng ta nói cái hình vuông màu xanh nhấp nháy trên màn hình là điểm canh nét. Đúng! Nhưng trước khi cái dấu vuông màu xanh đó canh nét vật thể cần chụp thì nó là điểm vuông đo sáng cho khung ảnh. Bạn thử để điện thoại sát vào một vật để điện thoại không thể lấy nét, rồi chạm vào nhiều vùng sáng / tối khác nhau, bạn sẽ thấy hình vuông đo sáng đó hoạt động (đo sáng và điều chỉnh ánh sáng toàn khung thay đổi khác nhau) dẫu cho đối tượng nằm ngoài khoảng cách mà ống kính có thể lấy nét. Do vậy, đo sáng vào đâu để kiểm soát được ánh sáng cho bức ảnh và thể hiện ý đồ chụp là rất quan trọng.

Hãy xem các tình huống sau:
Mình chạm tay vào toà nhà sáng bên phải, tại đó sẽ được máy đo sáng, đúng nét và đủ sáng, vùng trời vẫn còn chút màu xanh của mây, nhưng các vùng chênh sáng khác thiếu sáng, tối thui.
camera.tinhte.vn_-7.
Mình thay đổi điểm đo sáng là cái nhà màu nâu, vùng trời và dãy nhà góc phải rực sáng hơn, mây trời trắng tinh thừa sáng, nhưng phần đất và cảnh vật sáng rõ hơn. Nếu không có ý đó gì khác, bức ảnh này có ánh sáng hài hoà hơn.
camera.tinhte.vn_-8.
Zenfone 2 có chế độ chụp Manual, bạn có thể chỉnh tay các thông số hoặc nhanh nhất là gia giảm lượng sáng ở thanh trượt EV để có ánh sáng theo ý muốn.
Tấm này đo sáng vào vùng đất, mặt trời cháy sáng mất nhiều chi tiết mây:
camera.tinhte.vn_-47.
Tấm dưới đo sáng vùng mây trời, vùng đất sẽ thiếu sáng:
camera.tinhte.vn_-46.
Tấm này mình vẫn đo sáng vùng mây gần mặt trời, và tăng thêm +1.5EV:
camera.tinhte.vn_-45.

Ánh sáng rất quan trọng cho việc ghi hình, quyết định thành bại một bức ảnh. Điện thoại có những giới hạn nhất định, có những hoàn cảnh khó, dù hiệu chỉnh EV hay đo sáng kiểu gì cũng không thể có ánh sáng ưng ý cho vật thể trong khung, thì mình đành chờ sự thay đổi của ánh sáng.

Trường hợp này: Mình đo sáng và gia giảm EV thì vẫn không cân đối được ánh sáng cánh hoa và xung quanh. Một phần cánh hoa bị cháy trắng mất chi tiết.
camera.tinhte.vn_-17.
Chờ khoảng vài phút thì ánh sáng thay đổi thế này:
camera.tinhte.vn_-18.

4. Chụp hoàn toàn tự động
Nghĩa là chỉ cần biết cách mở chức năng chụp ảnh, biết nút chụp nằm ở đâu, và đưa máy lên chụp. Điện thoại chụp hình hoạt động trên nền một phần mềm thuật toán có sẵn. Rất nhiều bức ảnh chụp tự động được máy cân chỉnh ánh sáng, độ tương phản và màu sắc kiểu "sáng mặt ăn tiền" nên làm người chụp cảm thấy ưng ý.

* Những hoàn cảnh chụp tự động đẹp
  • Ánh sáng đủ sáng đối tượng
  • Nguồn sáng thuận (tức là hướng ánh sáng chiếu từ sau lưng người chụp tới đối tượng)
  • Chụp phong cảnh ban ngày nắng sáng
  • Chụp lưu niệm ngoài trời sáng
  • Chụp cận cảnh tĩnh vật
  • Chụp văn bản
* Những hoàn cảnh chụp tự động không đẹp
  • Ánh sáng yếu, không đủ sáng đối tượng
  • Nhiều mảng/vùng sáng tối chênh lệch nhiều trong cùng khung ảnh
  • Nguồn sáng ngược (tức là hướng ánh sáng chiếu trực tiếp thẳng vào ống kính)
  • Muốn nhấn mạnh một chủ đề trong vùng ánh sáng phức tạp
Zenfone có chế độ chụp liên tục. Bấm giữ nút chụp, máy sẽ tự động chụp nhiều tấm ảnh. Chọn những tấm mình thấy ưng:

Khi nào thì chụp HDR?
Trong một số trường hợp, khung ảnh có các vùng sáng chênh lệch lượng sáng, nếu vùng tối đủ sáng thì vùng sáng thừa và ngược lại. HDR (high dynamic range) nguyên là một kỹ thuật chụp chồng nhiều tấm ảnh với nhiều mức độ sáng khác nhau thành 1 tấm, để có được độ nét và màu sắc ở các vùng chênh sáng. Chế độ HDR trong điện thoại Zenfone 2 tích hợp sẵn.

Chúng ta xem khung ảnh có 2 vùng chênh sáng sau, muốn giữ ráng trời mà vùng đất đủ sáng thể hiện nhiều chi tiết cây cỏ hơn thì dùng chế độ HDR hiệu quả.

camera.tinhte.vn_-23. camera.tinhte.vn_-22.
camera.tinhte.vn_-35. camera.tinhte.vn_-36.


5. Đường chân trời

Nếu không có ý đồ gì đặc biệt, người ta khuyên để ý đừng để đường chân trời bị nghiêng ngã, nhất là trong chủ đề ảnh phong cảnh. Đường chân trời là đường ngang trong khung ảnh, thường nằm tại vị trí của hai đường mạnh như đã nói trên phần bố cục. Nếu khi chụp vội bị lỗi này thì có thể điều chỉnh hậu kỳ để đường chân trời ngay ngắn.

Ảnh này có đường chân trời nghiêng:
camera.tinhte.vn_-31.
Tấm sau đường chân trời ngay, nhìn khung hình có kết cấu chặt chẽ và hài hoà dễ xem hơn.
camera.tinhte.vn_-32.

camera.tinhte.vn_-37.
6. Hậu kỳ chỉnh sửa
Trong điện thoại có sẵn các công cụ chỉnh sửa ảnh, hoặc bạn có thể tải các app chỉnh sửa rất nhiều, chọn cái mình thích dùng và thành thạo. Công cụ chỉ là hỗ trợ chứ không phải nó quyết định khung ảnh. Khung ảnh tốt nhất là phải được chăm chút ngay từ khi ngắm, bố cục khung, lựa chọn hướng sáng, bấm máy. Hậu kỳ để cắt cúp phần nào, điều chỉnh thêm phần nào để khung ảnh đẹp hơn, trân trọng tác phẩm của mình hơn. Điều kiện ảnh gốc phải đủ chất lượng để có thể chỉnh sửa được.

Trên HĐH Android, mình thích hai ứng dụng: Snapseed và PS Express.

Trước và sau khi hậu kỳ bằng App Snapseed:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét